1. Tại sao biến thể Delta khó ngăn chặn hơn các chủng khác?
Biến thể Delta vừa dễ lây nhiễm hơn vừa có nhiều khả năng tránh được khả năng miễn dịch do tiêm chủng hoặc nhiễm trùng tự nhiên trước đó.
Theo Bloomberg, không biết chính xác lý do tại sao, nhưng các nhà khoa học tin rằng, nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm: Biến thể Delta tái tạo nhanh hơn và đạt nồng độ cao hơn đáng kể trong đường hô hấp trên; Các hạt virus của biến thể Delta bám vào thụ thể ACE2 tốt hơn (ACE2 là một loại enzym được tìm thấy trên bề mặt của nhiều tế bào mà virus sử dụng để lây nhiễm chúng); Biến thể Delta có thể hiệu quả hơn trong việc lây lan do chỉ cần ít hạt virus hơn hoặc liều lượng lây nhiễm thấp hơn.
2. Cách phòng ngừa tốt nhất chống lại biến thể Delta là gì?
Tiêm chủng đầy đủ là cách tốt nhất. Để dập tắt mối đe dọa của biến thể Delta, cần phải cung cấp đủ vaccine trên toàn thế giới và phần lớn các cộng đồng được tiêm chủng.
Nếu không có điều đó, các cộng đồng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta, dẫn đến số lượng lớn các ca mắc, nhập viện và cuối cùng là tử vong. Virus càng lưu hành thì càng có nhiều cơ hội đột biến, khiến nó có thể né tránh khả năng miễn dịch hoặc thậm chí dễ dàng truyền bệnh hơn.
3. Vaccine có tác dụng không?
Có. Lợi ích của việc chủng ngừa là nó đào tạo hệ miễn dịch nhận biết và chống lại virus nhanh hơn, giúp ngăn ngừa lây nhiễm tiến triển, và nếu có lây nhiễm thì bệnh cũng nhẹ hơn. Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao có tỉ lệ nhập viện thấp hơn, là bằng chứng cho thấy vaccine có tác dụng.
4. Tại sao vẫn xảy ra lây nhiễm trong số những người được chủng ngừa?
Không có vaccine COVID-19 nào cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn. Các kháng thể được đào tạo để ngăn chặn hoặc vô hiệu hóa virus là biện pháp bảo vệ chính để ngăn chặn sự lây nhiễm và ngăn chặn sự lây truyền tiếp theo. Nhưng mọi người phản ứng khác nhau với việc tiêm chủng, dẫn đến sự thay đổi lớn về số lượng và chất lượng của các kháng thể mà họ tạo ra sau khi tiêm.
Nghiên cứu cho thấy, một số cá nhân được tiêm có thể không sản xuất đủ lượng kháng thể trong đường hô hấp trên để chống lại biến thể Delta đủ sớm nhằm ngăn chặn nó tái tạo trong mũi và cổ họng.
Tuy nhiên, một người được tiêm chủng đầy đủ thường khỏi bệnh nhanh hơn so với người không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng một phần. Tiêm chủng đầy đủ không chỉ ngăn ngừa các triệu chứng tồi tệ hơn mà còn rút ngắn thời gian bị bệnh và do đó làm giảm khả năng truyền virus của họ.
5. Có thể làm gì để vaccine hiệu quả hơn?
Các cơ quan y tế ở một số quốc gia giàu có đã bắt đầu cung cấp các liều vaccine nhắc lại, tiêm vaccine mũi 3 trong trường hợp hầu hết các loại vaccine 2 liều, hoặc mũi thứ hai trong trường hợp vaccine đơn liều như Johnson & Johnson.
Các quyết định như vậy có thể dựa trên những lo ngại về hiệu quả của các mũi tiêm, mức độ miễn dịch suy giảm theo thời gian và nhu cầu bảo vệ các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương, đặc biệt là người già và những người bị suy giảm miễn dịch khiến họ không đạt được mức độ bảo vệ.
Theo thời gian, các liều vaccine nhắc lại định kỳ có thể sẽ cần thiết cho tất cả mọi người để tăng cường và mở rộng dãy kháng thể ngăn chặn virus. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine nhắc lại đang gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng, đây là việc làm phi đạo đức do các nước nghèo hơn còn chưa đủ vaccine để tiêm mũi một cho đông đảo dân số.
6. Một mình vaccine có đủ ngăn ngừa biến thể Delta?
Các chuyên gia y tế cho biết, một mình vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn biến thể Delta trong các cộng đồng có tỷ lệ lây truyền cao. Trong trường hợp đó sẽ cần tới các biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi đại tu các hệ thống thông gió giống như đại tu nguồn cung cấp nước công cộng vào những năm 1800 sau khi các đường ống dẫn nước được phát hiện là nơi chứa dịch tả.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học, 39 nhà khoa học từ 14 quốc gia đã yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở rộng hướng dẫn về chất lượng không khí trong nhà để ngăn chặn các tác nhân gây bệnh trong không khí như coronavirus, và xây dựng các tiêu chuẩn thông gió bao gồm cả tỷ lệ lưu lượng gió, lọc và khử trùng cao hơn.