Châu Âu vẫn đứng đầu thế giới về chỉ số phát triển nguồn nhân lực
Thứ sáu, 15/09/2017 08:15 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có trụ sở tại Geneva (Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ) đã công bố Báo cáo toàn cầu năm 2017 về chỉ số "Vốn con người" (Human Capital Index - HCI), qua đó đánh giá khả năng phát triển nguồn nhân lực.
Theo báo cáo trên, Na Uy dẫn đầu bảng xếp hạng 130 nền kinh tế thế giới. Trong top 10 nước đứng đầu bảng xếp hạng HCI 2017 còn có Phần Lan, Thụy Sĩ, Mỹ, Đức, New Zealand, Thụy Điển, Slovenia và Áo.
Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Singapore là nước có chỉ số HCI cao nhất, xếp vị trí thứ 11, tiếp đến là Nhật Bản (17) và Hàn Quốc (27). Trung Quốc đứng thứ 34, cao hơn so với các nước thành viên còn lại của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), ngoại trừ Nga (16).
Tại Mỹ Latinh, khu vực này nằm trong nhóm có HCI ở mức trung bình thấp. Trong số các quốc gia khu vực, Argentina được đánh giá cao nhất và xếp vị trí 52, tiếp đến là Chile (53). Trong khi đó, 2 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil và Mexico đứng ở vị trí tương ứng 69 và 77, cùng với Peru (66) và Colombia (68). Quốc gia có HCI thấp nhất khu vực là Honduras (101) và nhiều nước Trung Mỹ khác.
Chủ tịch WEF Klaus Schwab
Chủ tịch WEF Klaus Schwab (Clau-xơ Soáp) cho biết chỉ 62% nguồn nhân lực trên toàn cầu được khai thác và phát triển, đồng thời cảnh báo việc không đầu tư phát triển tiềm năng con người làm gia tăng bất bình đẳng, khiến người lao động mất cơ hội tiếp cận vị trí việc làm có trình độ.
HCI đánh giá khả năng nuôi dưỡng tài năng thông qua giáo dục, cũng như khả năng tối đa hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của 130 nền kinh tế trên thế giới. Việc xếp hạng dựa trên 4 tiêu chí gồm đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học đến đại học, khả năng áp dụng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vào công việc của lực lượng lao động, sự phát triển về giáo dục của những thế hệ mới và nhiều yếu tố môi trường khác như luật pháp và hạ tầng./.
Dương Thái