Chìa khóa để châu Á - Thái Bình Dương duy trì hòa bình và sự thịnh vượng
Thứ năm, 14/09/2017 08:22 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Trong bối cảnh những thay đổi nhanh chóng và bất ổn của thế kỷ 21, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cần củng cố hợp tác đa phương để ngăn chặn những biến động hay khủng hoảng tại châu Á. Đây là thông điệp được nhấn mạnh trong báo cáo có tên "Gìn giữ hòa bình dâu dài tại châu Á: Những nền tảng thế chế của an ninh khu vực lâu dài" do Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) công bố.
Phát biểu tại cuộc hội thảo giới thiệu báo cáo diễn ra tại trụ sở của ASPI ở New York, Chủ tịch APSI, ông Kevin Rudd (Ke-vin Rắt) nhấn mạnh câu hỏi chiến lược cốt lõi trong nửa đầu thế kỷ 21 là liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế đáng kể mới đồng thời đảm bảo được nền hòa bình trong bối cảnh những thay đổi địa chính trị chưa từng có.
Ông Kevin Rudd - chủ tịch APSI
Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương giờ đây đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Một mặt, mức GDP ngày càng tăng, tỷ lệ đói nghèo sụt giảm trên diện rộng, sự hòa nhập thương mại ngày một nhiều hơn đã tạo ra tâm lý lạc quan về tương lai của khu vực và đem lại cho các quốc gia mọi động lực để tránh xung đột. Mặt khác, môi trường an ninh khu vực của châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng phức tạp.
Báo cáo nêu rõ môi trường an ninh châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một số thách thức lớn, đòi hỏi cần phải có một cấu trúc khu vực mạnh hơn, hiệu quả hơn. Những thách thức đó bao gồm: những biến đổi kinh tế và chính trị nhanh chóng, sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa những cường quốc chủ chốt trong khu vực, mâu thuẫn dễ bùng phát do "sự thiếu lòng tin" giữa các nước trong khu vực, và sự phổ biến tình trạng quân sự hóa và mua sắm những công nghệ mới.
Để xử lý những thách thức nêu trên, báo cáo nêu bật 5 chức năng mà các thể chế khu vực cần phải đảm nhiệm: Trước hết, các thể chế khu vực cần đóng một vai trò có tính ràng buộc, lôi kéo các quốc gia hướng đến sự hội tụ nhiều hơn xung quanh những lợi ích an ninh chung; Thứ hai, cần có một kết cấu khu vực phải giảm thiểu sự hoài nghi do lịch sử để lại bằng cách tạo cơ hội cho những đối thoại chiến lược và hợp tác thực tiễn; Thứ ba, cần có một kết cấu khu vực hiệu quả, đóng vai trò trong việc xử lý tranh chấp và khủng hoảng một cách hiệu quả hơn; Thứ tư, một kết cấu khu vực cần phải điều phối những nỗ lực của các cơ chế và thể chế riêng rẽ. Cuối cùng, cần một kết cấu khu vực linh hoạt để đề ra chương trình nghị sự thỏa đáng cho việc đối phó với những áp lực nảy sinh từ những thay đổi trong các ưu tiên chính sách an ninh của khu vực.
Nguyên Thủ tướng Australia, ông Kevin Rudd, nhấn mạnh đến việc cần cần phải củng cố sức mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi lẽ khối này không chỉ thành công trong việc đem lại cho những quốc gia nhỏ tiếng nói tại bàn đàm phán mà còn cả khả năng định hình chương trình nghị sự của khu vực./.
Dương Thái