Chống tham nhũng ở Cộng hòa dân chủ Công - gô

Thứ ba, 11/05/2021 15:22
(ThanhtraVietNam) - Cộng hòa Dân chủ Công-gô là một trong những quốc gia lớn nhất châu Phi. Đây cũng là quốc gia có trữ lượng khoáng sản giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, từ lâu tệ nạn tham nhũng đã trở thành lực cản kìm hãm sự phát triển của đất nước này. Năm 2020, Công-gô xếp hạng 165 trong số 180 quốc gia về Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế với số điểm 19 trên 100.

Tình trạng tham nhũng phổ biến

Ở Công-gô, “tham nhũng vặt” cực kỳ phổ biến, nhất là hối lộ trong các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, công dân Công-gô bị đánh thuế với mức thuế rất cao (lên tới 40% đến 50% thu nhập của họ) nhằm mục đích vừa tạo ra đủ doanh thu thuế cho Chính phủ, vừa cho phép các quan chức thuế đút túi cá nhân.

Mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản, song Công-gô vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, tài nguyên thiên nhiên của nước này đã bị khai thác triệt để bởi những người nắm quyền lực chính trị và công dân nước ngoài, trong khi đó người dân Công-gô nhận được rất ít lợi ích, thậm chí phải chịu đựng chế độ độc tài, xung đột, nghèo đói và bệnh tật.

Bên cạnh đó, tham nhũng cũng xuất hiện trong hoạt động bầu cử của nước này. Phổ biến nhất là hành vi gian lận phiếu bầu và thiếu minh bạch trong quá trình lập bảng bỏ phiếu. Điển hình, trong cuộc bầu cử tháng 12 năm 2018, cử tri ở một tỉnh phía đông Công-gô đã bị lực lượng an ninh nhà nước và các nhóm vũ trang đe dọa bỏ phiếu cho một số ứng cử viên nhất định. Ngoài ra, hơn một triệu người Công-gô đã không thể bỏ phiếu khi việc bỏ phiếu bị hoãn lại cho đến tháng 3 năm 2019 tại ba khu vực ủng hộ phe đối lập.

Một số bất thường cũng được tìm thấy trong cuộc bầu cử năm 2018, Ủy ban Bầu cử Quốc gia (CENI) đã không công bố danh sách cử tri trong vòng 90 ngày trước cuộc bầu cử theo quy định. Chiến dịch tranh cử và bầu cử đã bị hủy bởi nhiều cuộc biểu tình cáo buộc các quy trình bầu cử không công bằng. Một số ứng cử viên đã rút khỏi cuộc bầu cử Thượng viện tháng 3 năm 2019 trong bối cảnh lo ngại về hối lộ, mua phiếu bầu rộng rãi.

Phòng, chống tham nhũng ở Công-gô

Một là, tham gia các cơ chế chống tham nhũng quốc tế và khu vực: Cộng hòa Công-gô gia nhập Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) vào ngày 23 tháng 9 năm 2010 và ký Nghị định của Cộng đồng Phát triển Nam Phi về chống tham nhũng vào tháng 8 năm 2001. Mặc dù vậy, Công-gô vẫn chưa trải qua đánh giá về việc thực hiện UNCAC. Công-gô cũng đã ký Hiến chương châu Phi về Dân chủ, Bầu cử và Quản trị vào năm 2008 và Hiến chương châu Phi về Giá trị, Nguyên tắc dịch vụ và Hành chính Công cộng nhưng vẫn chưa được phê chuẩn một trong hai Hiến chương này. Bên cạnh đó, nước này cũng là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm về rửa tiền ở Trung Phi (Groupe d'Action contre le blanchiment d'Argent en Afrique Centrale, GABAC), một cơ quan của Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi được thành lập vào năm 2000. Nó được ủy quyền để chống rửa tiền, đánh giá sự tuân thủ các tiêu chuẩn của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên và tạo điều kiện hợp tác quốc tế.

Hai là, xây dựng khung pháp lý phòng chống tham nhũng: Công-gô đã thiết lập nhiều chính sách phòng chống tham nhũng tuy nhiên việc thực thi còn rất yếu. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2004 cung cấp một nền tảng pháp lý tốt để chống tham nhũng. Bộ luật Hình sự Công-gô cũng có các điều khoản để định tội các hành vi nhận hối lộ của các quan chức tham nhũng. Đồng thời quy định bất kỳ công chức nào cũng có trách nhiệm phải báo cáo về các hành vi hối lộ với cấp trên mà họ đã chứng kiến (Điều 17). Luật pháp không bảo vệ các quan chức cấp cao và nguyên thủ quốc gia chống lại các cuộc điều tra hoặc truy tố khi còn tại vị.

Rửa tiền cũng được quy định tại Luật Chống rửa tiền và Tài trợ khủng bố (Loi Portant Lutte Contre Le Blanchiment Des Capitaux et le Financement du Terrorisme) năm 2004, nhưng nó được thực hiện không đầy đủ. Theo Luật này, Công-gô đã thành lập 3 cơ quan là: Đơn vị tình báo tài chính (FIU), Ủy ban chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (COLUB)  và một quỹ để chống lại tội phạm có tổ chức. Song mặc dù được thành lập vào năm 2008, một trong ba cơ quan này là COLUB đã không tổ chức một cuộc họp nào cho đến tháng 11 năm 2017.

Bên cạnh đó, luật pháp của nước này có rất ít chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Những biện pháp bảo vệ (nếu có) còn rất yếu về cả cơ sở pháp lý và thực thi. Ở Công - gô người dân cũng không được quyền truy cập thông tin của Chính phủ, cũng như không được tiếp cận các hồ sơ về chi tiêu công và hoạt động của nhà nước. Do đó, việc tố cáo tham nhũng ở Công-gô rất hiếm.

Ba là, thành lập các tổ chức chống tham nhũng khác, bao gồm: Cơ quan phòng, chống tham nhũng (APLC); Đài quan sát tham nhũng (OSCEP); Văn phòng thay đổi hành vi (The Coordination pour le changement de mentalité); Tổ chức kiểm toán (The Cours de Comptes), chịu trách nhiệm thực hiện kiểm toán tài chính bên ngoài. 

Những giải pháp nói trên cũng đã phần nào cho thấy nỗ lực bước đầu của Công-gô trong công tác phòng chống tham nhũng, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có những kết quả rõ rệt ở đất nước này./.

Quỳnh Nhi 

Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra