Bối cảnh tham nhũng trong lĩnh vực y tế ở các nước Đông Nam Á
Đối với vấn nạn tham nhũng, theo dữ liệu Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2017 (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế, khu vực Đông Nam Á có Singapore nằm trong những quốc gia ít tham nhũng nhất (với số điểm 84,0) và Campuchia nằm trong những quốc gia tham nhũng cao nhất trên thế giới (với số điểm là 21).
Một đặc điểm đáng chú ý trong khu vực là tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tác động nhiều đến lĩnh vực y tế. Môi trường kinh doanh bùng nổ đã khiến các nước Đông Nam Á trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân. Sự ra đời của các trung tâm y tế tư nhân hiện đại cung cấp dịch vụ điều trị chất lượng cao với giá thấp hơn so với các nước phát triển đang tạo ra luồng du lịch y tế, như ở Thái Lan, Singapore và Malaysia. Đổi lại, nó cũng đang tạo ra khoảng cách đáng kể giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công và tư.
Về sức khỏe cộng đồng, Chính phủ Thái Lan, Myanmar, Indonesia và Philippines đang đầu tư vào các mô hình hệ thống y tế tiếp cận những khu vực vùng sâu vùng xa nhất. Một số quốc gia Đông Nam Á gần đây đã thực hiện các chương trình tài trợ vì người nghèo, chẳng hạn như Chương trình thẻ y tế và 30 baht (tỷ giá cố định) ở Thái Lan, Quỹ y tế cho người nghèo ở Việt Nam, Quỹ bình đẳng y tế ở Campuchia và Lào... Một số quốc gia đã áp dụng các hình thức đổi mới mô hình chăm sóc sức khỏe công-tư, như tập hợp các bệnh viện công ở Singapore hoặc bệnh viện Swadana (tự tài trợ) ở Indonesia. Philippines, Việt Nam và Indonesia đã thực hiện phân cấp các dịch vụ y tế...
Tính phức tạp của hệ thống y tế với đặc trưng là dòng tiền lớn, trang thiết bị đắt tiền và cơ cấu tổ chức phức tạp, vô hình chung đã khiến hệ thống này trở nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Có ba lĩnh vực chính cần xem xét: Phân bổ ngân sách, vật tư hàng hóa và nhân sự. Hành vi phạm tội tham nhũng trong phân bổ ngân sách có thể bao gồm việc gian lận trong phân bổ ngân sách, biển thủ hoặc chuyển tiền công vào tài khoản cá nhân. Điều này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như tình trạng thiếu thuốc và dịch vụ y tế kém chất lượng. Ở Campuchia, người ta ước tính rằng từ 5% đến 10% ngân sách y tế đã bị thất thoát trước khi được chuyển giao cho Bộ Y tế.
Đối với tình trạng vật tư, hàng hóa, các hành vi gian lận, trộm cắp, sử dụng trái phép thiết bị và tham ô có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe bệnh nhân. Ngoài ra, hối lộ để tác động đến việc giám sát và kiểm tra các cơ sở y tế hoặc để đẩy nhanh quá trình phê duyệt, kiểm tra chất lượng và sản xuất thuốc cũng là hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế.
Lỗ hổng tham nhũng liên quan đến nhân sự diễn ra trong việc bổ nhiệm, đào tạo, đề bạt và đãi ngộ cán bộ và nhân viên y tế. Sự bảo trợ, thiên vị và chuyên quyền trong việc lựa chọn, công nhận và chứng nhận các chuyên gia y tế, bổ nhiệm là những hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Ngoài ra, việc sử dụng thời gian được trả lương của Nhà nước để hành nghề tư nhân cũng là một trong những hành vi phổ biến của tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tham nhũng khác trong lĩnh vực y tế có thể kể đến như: Pha loãng vắc xin; ăn cắp thiết bị y tế, thuốc men; điều hướng bệnh nhân đến các cơ sở y tế tư nhân; kê đơn điều trị không cần thiết...
Hối lộ là một giao dịch thường xuyên xảy ra giữa bác sĩ, y tá với bệnh nhân ở nhiều nước đang phát triển để được đối xử, ưu đãi tốt hơn và kịp thời, ví dụ như nhận sự ưu tiên trong việc sắp xếp các ca mổ hoặc xếp hàng cấy ghép nội tạng, nhận được thuốc tốt hơn hoặc thậm chí có được những loại thuốc chưa được kê đơn. Việc nhận các khoản thanh toán không chính thức từ bệnh nhân thường được biện minh để bổ sung cho mức lương thấp của các chuyên gia y tế.
Các hành vi tham nhũng khác trong cung cấp dịch vụ như giới thiệu bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân thay vì điều trị ở dịch vụ công; làm giả chứng từ bảo hiểm cho bệnh nhân; công ty bảo hiểm thanh toán bất hợp pháp cho các dịch vụ chưa được thực hiện và giả mạo hồ sơ hóa đơn cũng là những tội danh tham nhũng đang diễn ra phổ biến trong khâu cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.
Các biện pháp chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế
Các biện pháp can thiệp nhằm chống tham nhũng và gian lận trong lĩnh vực y tế đã được thực hiện ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể:
Nâng cao nhận thức đạo đức nghề nghiệp
Nhìn chung, cách tiếp cận phổ biến để nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ công chức và chuyên gia y tế là xây dựng các quy tắc ứng xử và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức được đưa ra bởi Bộ Y tế hoặc các tổ chức chuyên môn như Hiệp hội bác sĩ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thúc đẩy liêm chính thông qua việc tạo ra các chuẩn mực chống lại một số hành vi cụ thể có thể đem lại những ảnh hưởng nhất định đến mức độ tham nhũng. Tuy nhiên, ở một số nước Đông Nam Á, sức ảnh hưởng của các quy tắc ứng xử và quy định để hình thành hành vi bị giảm bớt do các tập tục truyền thống cố hữu, lâu đời vẫn đang tồn tại trong xã hội. Ví dụ, ở Indonesia, chiến dịch chống tham nhũng berani jujur, hebat (hãy trung thực và vĩ đại) do Chính phủ thúc đẩy đã không được ủng hộ bởi những tín ngưỡng phổ biến như bagi-bagi rejeki (chia sẻ tài sản) và utang budi (sự mang ơn) được sử dụng để thể hiện lòng biết ơn. Do đó, các khoản thanh toán không chính thức, quà tặng... ở Indonesia trở thành một trong những yếu tố để duy trì các mối quan hệ.
Ảnh minh hoạ, nguồn internet.
Cũng tại Indonesia, năm 2016, Ủy ban Chống tham nhũng (KPK), Bộ Y tế, Hiệp hội bác sĩ Indonesia, Hội đồng bác sĩ Indonesia, Hội đồng đạo đức kỷ luật của bác sĩ Indonesia, Cơ quan quốc gia về kiểm soát thuốc và thực phẩm, đại diện bệnh viện, hiệp hội các công ty dược phẩm và đại diện của các công ty dược phẩm trong nước và quốc tế đã đạt được thỏa thuận về mức thù lao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thỏa thuận này điều chỉnh xung đột lợi ích trong việc cung cấp tài trợ cho bác sĩ, mối quan hệ giữa các công ty dược phẩm, nhà cung cấp y tế và bác sĩ. Trên thực tế, bằng chứng về tác động của thỏa thuận này chưa được tìm thấy, nhưng các thỏa thuận tương tự trong quá khứ đã làm dấy lên lo ngại về việc chính thức hóa thỏa thuận này thành một quy định chi tiết hơn của Chính phủ.
Minh bạch và trách nhiệm giải trình
Thúc đẩy quản trị tốt và minh bạch trong lĩnh vực y tế và dược phẩm là chiến lược của một số sáng kiến quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn, cũng như giảm thiểu những rủi ro đó trong lĩnh vực y tế. Các nước Đông Nam Á là một phần của những sáng kiến đó. Cụ thể, dự án Chương trình quản lý thuốc tốt do WHO khởi động năm 2004 đã được Lào, Malaysia, Philippines và Thái Lan tham gia vào năm 2005 và Campuchia và Indonesia vào năm 2006.
Chương trình quản lý thuốc tốt nhằm góp phần củng cố hệ thống y tế và ngăn ngừa tham nhũng bằng cách thúc đẩy quản trị tốt trong lĩnh vực dược phẩm. Một trong những công cụ để đạt được mục tiêu này là công cụ đánh giá tính minh bạch và trách nhiệm của hệ thống dược phẩm. Với mục đích hỗ trợ các quốc gia đánh giá mức độ công khai của các tài liệu quan trọng nhằm hỗ trợ trách nhiệm giải trình của hệ thống dược phẩm, công cụ này đánh giá tính minh bạch của các quy trình và quyết định, đồng thời theo dõi tiến độ trong các lĩnh vực đăng ký và cấp phép lưu hành sản phẩm dược phẩm, cơ sở cấp phép, quảng cáo dược phẩm, giám sát thử nghiệm lâm sàng, lựa chọn thuốc...
Kiểm tra, kiểm soát chất lượng
Trong lĩnh vực dược phẩm, đã có những bước phát triển trong việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và thực hành tốt nhất cho dược sĩ trên toàn thế giới thông qua Liên đoàn Dược phẩm Quốc tế (FIP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2007, Đông Nam Á đã thông qua Tuyên bố Bangkok về thực hành tốt nhà thuốc (GPP) trong các hiệu thuốc công với cam kết từ các hiệp hội thành viên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nhà thuốc. Ngay cả khi không đề cập rõ ràng đến tham nhũng, các hướng dẫn này cũng khẳng định sự cần thiết của tính liêm chính trong chuỗi cung ứng thuốc nhằm đảm bảo giá trị của thuốc được sử dụng để phòng bệnh và điều trị cho bệnh nhân.
Trách nhiệm giải trình xã hội
Trách nhiệm giải trình xã hội có thể diễn ra thông qua các hoạt động giám sát và cơ chế khiếu nại đòi hỏi sự bảo vệ đối với người tố cáo. Cơ chế khiếu nại rất hữu ích trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng, cũng như đối với các quy trình kiểm soát chất lượng. Kinh nghiệm của Tổ chức Minh bạch quốc tế thông qua Trung tâm Tư vấn pháp lý và vận động (ALAC), nơi tiếp nhận các khiếu nại từ những công dân không có sự trợ giúp pháp lý, đã đặc biệt thành công ở Pakistan và các quốc gia khác. Cụ thể, sau khi nhận được một số khiếu nại từ người dân về điều kiện tồi tệ tại bệnh viện duy nhất ở Usta Mohammad (thành phố nhỏ ở Baluchistan), TI Pakistan đã liên hệ với một số quan chức Chính phủ và kết quả là một ủy ban gồm các chuyên gia y tế khu vực tư nhân và Chính phủ đã cùng vào cuộc giải quyết vấn đề. Sau bốn tháng, người dân tại Usta Mohammad cho biết, điều kiện của bệnh viện địa phương đã được cải thiện đáng kể và các bác sĩ đã tuân thủ thời gian, trách nhiệm của họ trong dịch vụ y tế công. Hơn nữa, Sở Y tế tỉnh này cũng đã xây dựng các quy định cấm bác sĩ hoạt động trong dịch vụ tư nhân và đưa ra những hướng dẫn thực hiện hiệu quả các quy định này.
Mạng lưới liên kết về trách nhiệm xã hội ở Đông Á và Thái Bình Dương (ANSA EAP) đã phát triển các công cụ và nguồn lực để tăng cường sự tham gia của người dân vào trách nhiệm giải trình. Cụ thể, ANSA EAP đã tham gia vào các sáng kiến: Đào tạo thanh niên trong việc giám sát quá trình cung cấp dịch vụ tại địa phương ở Campuchia, thẻ báo cáo công dân ở Philippines và việc tham gia lập ngân sách ở Indonesia. Tại Việt Nam năm 2009, Bệnh viện Nhi Trung ương đã giới thiệu hệ thống phản hồi bệnh nhân bao gồm 06 công cụ để thu thập thông tin phản hồi từ bác sĩ và bệnh nhân, bao gồm cả thông tin về việc thanh toán các khoản phí không chính thức. Các công cụ này đã được đón nhận và sử dụng để thiết lập các tiêu chuẩn và xác định các vướng mắc cần giải quyết.
Giảm thiểu các nguy cơ hối lộ
Một cách để ngăn chặn hối lộ là giảm bớt những lý do thường được sử dụng để biện minh, chẳng hạn như đảm bảo điều kiện tài chính ổn định cho nhân viên y tế... Các quỹ bình đẳng y tế (HEF) ở Campuchia là một ví dụ điển hình cho điều này. HEF là các chương trình trong đó các tổ chức phi chính phủ hoàn trả cho dịch vụ y tế công để điều trị cho người nghèo bằng tiền của Chính phủ và nhà tài trợ. Một phần thành công của HEF là do có được sự ủng hộ chính trị cấp cao thể hiện qua việc các chương trình của HEF đã đưa vào trong Chiến lược giảm nghèo và Kế hoạch chiến lược y tế của Chính phủ năm 2003, được đề cập trong một nghị định liên bộ từ năm 2007 về việc sử dụng ngân sách y tế Nhà nước để hỗ trợ công tác hoàn trả phí sử dụng của người nghèo. Ba năm một lần, Bộ Kế hoạch Campuchia cung cấp cho các hộ nghèo chương trình hỗ trợ, cho phép họ được chăm sóc miễn phí tại các trung tâm y tế và bệnh viện nơi HEF hoạt động. HEF hoàn trả cho các cơ sở y tế dựa trên tỷ lệ chăm sóc tiêu chuẩn. Việc phân phối quỹ là 60% để bổ sung lương cho nhân viên, 39% cho chi phí điều hành và 1% cho kho bạc tỉnh.
Kết quả tích cực của những hoạt động trên thể hiện ở việc chính thức hóa các phương thức thanh toán trong lĩnh vực y tế, mang lại nguồn thu bổ sung đáng kể cho các cơ sở y tế, giảm thanh toán ngầm, tạo động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhờ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và góp phần giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực y tế./.
Dương Nguyễn
(Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre)
Chú thích:
(*) Theo Báo cáo thường niên của Chương trình Phát triển liên hiệp quốc (UNDP) năm 2018