Cuộc chiến chống IS ở Iraq: Chiến thắng hay thất bại đau đớn của Mỹ?
Thứ tư, 31/01/2018 08:50 (GMT+7)
Việc Iraq tuyên bố chiến thắng trước IS là một mốc quan trọng, nhưng Mỹ lại chẳng “ăn mừng” chiến thắng này, dù đây cũng là cuộc chiến của Mỹ.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố chiến thắng trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 9/12/2017. Trong khi vẫn còn các cuộc giao tranh, thì cuộc chiến tranh thực sự đã kết thúc.
Người Iraq ăn mừng chiến thắng trước IS tại quảng trường Tahrir ngày 10/12/2017. Ảnh: Reuters
Không có các cuộc diễu hành, không có tượng đài bị kéo đổ, không có những khoảnh khắc “Nhiệm vụ hoàn thành”. Một sự kiện mà vài năm trước có thể đặt Mỹ ở trang nhất nhộn nhịp lại chẳng có lấy một dòng đăng tải trên trang cá nhân của Tổng thống.
Đó là bởi ở Washington, chẳng có gì nhiều để mà ăn mừng. Mốc quan trọng lớn tiếp theo cho Iraq sẽ là các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Khi đó, con đường của Iraq thời hậu IS trở nên rõ ràng hơn. Trong khi đó, điều còn chưa rõ ràng sẽ là liệu chiến lược đánh bại IS có thành công và liệu các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq cuối cùng có kết thúc hay không.
Ảnh hưởng không còn như xưa
Điều nhận thấy rõ nhất là tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq đã không còn như trước. Hai ứng cử viên chính cho cuộc bầu cử là đương kim Thủ tướng Abadi, và cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki. Cả hai đều xuất phát từ đảng Dawa theo dòng Shi’ite và cả 2 đều có mối quan hệ gần gũi với Iran.
Cựu Thủ tướng Maliki, từng là “niềm hy vọng” của Mỹ trong các cuộc bầu cử Iraq năm 2006 và 2010. Tuy nhiên, ông không làm được gì nhiều trong việc đoàn kết người Sunni-Shi'ite-Kurd khắp Iraq và lại có vai trò lớn trong việc Mỹ rút các lực lượng tại đây vào năm 2011.
Với sự thao túng của Mỹ, năm 2014, Thủ tướng Abadi lên nắm quyền thay ông Maliki - một đồng minh thân cận của Iran vốn bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự thất bại của quân đội trước IS.
Bất chấp sự kỳ vọng từ Mỹ khá lớn, ông Abadi lại có ít nỗ lực nhằm hội nhập người Sunni (vốn thân Mỹ) vào hệ thống pháp luật Iraq chủ yếu của người Shi’ite, nền tảng tối thiểu cho một Iraq thống nhất. Ông không tạo ra các cơ hội kinh tế cho người Sunni. Ông Abadi cũng có những đường hướng cứng nhắc và mối quan hệ thân hơn với Iran (do người Shi’ite đứng đầu).
Không quá mặn mà
Mỹ vẫn bắt tay với chính quyền của Thủ tướng Abadi để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ ở Iraq là tiêu diệt cho đến khi không còn bóng dáng của IS bên trong Iraq, sau đó để cho Iran và người Shi’ite tại Iraq làm điều mà họ muốn với người Sunni. Đây là phần khác đi so với cuộc chiến Iraq 2003-2011. Mỹ sẽ không để tâm tới chính trị nội bộ Iraq, ngay cả khi đó là là một chính phủ Shi’ite ở Baghdad dưới cánh của Tehran.