Dubai: Nơi trú ẩn của tài sản bất hợp pháp

Thứ sáu, 23/08/2024 10:46
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian gần đây, Dubai - một trong những thành phố xa hoa nhất thế giới thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - đã trở thành trung tâm của nhiều cuộc điều tra quốc tế về rửa tiền và các giao dịch tài sản bí mật.

Từ hồ sơ Pandora đến Dubai Uncovered và Gold Mafia, các cuộc điều tra này cho thấy Dubai dường như đã trở thành một nơi ẩn náu an toàn cho quan chức tham nhũng và tội phạm tài chính. Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) lại tiếp tục chỉ ra rằng Dubai là trung tâm cho các hoạt động buôn lậu vàng và rửa tiền từ châu Phi.

Dubai và các quy định lỏng lẻo về tài chính

Không phải ngẫu nhiên mà Dubai trở thành điểm đến yêu thích của những kẻ đang muốn tìm cách rửa tiền. Các quy định về tài chính lỏng lẻo đã giúp thành phố này thu hút lượng lớn các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Dubai trở thành nơi lý tưởng để cất giấu tài sản bất hợp pháp.

Vào tháng 3 năm 2022, Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) đã đưa UAE vào "danh sách xám" vì những tồn tại trong hệ thống chống rửa tiền của mình. Dù vậy, chỉ sau hai năm, UAE đã được loại khỏi danh sách này nhờ vào các biện pháp cải thiện mà quốc gia này đã thực hiện. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả và sự bền vững của những cải cách này, đặc biệt khi Dubai vẫn là trung tâm của nhiều vụ bê bối tài chính.

leftcenterrightdel
UAE - mảnh ghép quan trọng trong bức tranh rửa tiền toàn cầu (ảnh: Tổ chức Minh bạch quốc tế) 

Bất động sản Dubai: Nơi cất giấu tài sản của quan chức tham nhũng

Các cuộc điều tra quốc tế đã liên tục tiết lộ việc các quan chức chính trị sở hữu bất động sản trị giá hàng triệu đô la tại Dubai, thường thông qua các công ty ẩn danh. Một trong những vụ rò rỉ lớn nhất vào năm 2018 đã tiết lộ hàng trăm bất động sản tại Dubai thuộc sở hữu của các quan chức cao cấp từ nhiều quốc gia. Những người này đều có dính líu đến tham nhũng và tội phạm tài chính tại quê nhà.

Chẳng hạn, cựu thị trưởng Yerevan (Armenia) Gagik Beglaryan, bị chính quyền Armenia buộc tội tham ô và rửa tiền trong 27 vụ án, sở hữu một căn hộ xa xỉ tại Dubai. Hay như Abubakar Atiku Bagudu, một chính trị gia Nigeria bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng, cũng sở hữu nhiều bất động sản ở đây.

Sở hữu bất động sản ở Dubai là một cách để các quan chức này chuyển tài sản bất hợp pháp ra nước ngoài, tránh bị phát hiện và truy tố tại quê nhà. Dù đã có nhiều cải cách về luật pháp, việc mua bất động sản tại Dubai vẫn được thực hiện dễ dàng mà không cần phải minh bạch nguồn gốc tài sản.

Dubai: Trung gian cho các hoạt động rửa tiền

Dubai không chỉ là nơi cất giấu tài sản, mà còn là trung gian quan trọng cho các hoạt động rửa tiền. Nhiều nhà điều hành tài chính tại UAE đã bị cáo buộc cung cấp các dịch vụ rửa tiền chuyên nghiệp. Điều này diễn ra trong bối cảnh các quy định về tài chính tại UAE còn nhiều lỗ hổng và thiếu giám sát chặt chẽ.

Một trong những vụ bê bối lớn nhất liên quan đến SFM Corporate Services, một công ty dịch vụ doanh nghiệp có trụ sở tại Dubai, đã bị điều tra trong vụ Hồ sơ Pandora năm 2021. Công ty này bị cáo buộc đã giúp thành lập hàng ngàn công ty bình phong, trong đó có nhiều công ty thuộc sở hữu của các quan chức tham nhũng và tội phạm tài chính.

SFM bị cho là đã giúp Charles Sipanje, một cựu quan chức Zambia, thành lập công ty tại UAE để chuyển tài sản bất hợp pháp ra nước ngoài. Dù bị cáo buộc, nhưng vẫn chưa có bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào từ phía chính quyền UAE về SFM hoặc các công ty tương tự. Theo Sổ đăng ký Kinh tế Quốc gia UAE, SFM vẫn sở hữu giấy phép kinh doanh hợp pháp để cung cấp dịch vụ doanh nghiệp.

FATF và những lo ngại về hiệu quả của cải cách tại UAE

FATF đã từng yêu cầu UAE tăng cường điều tra và truy tố tham nhũng, cải thiện hợp tác quốc tế và nâng cao hiểu biết về rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Mặc dù UAE đã có những nỗ lực nhất định, nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về khả năng giải quyết triệt để các vấn đề này.

Năm 2022, đơn vị tình báo tài chính của UAE chỉ sản xuất được 200 báo cáo tình báo, trong đó chỉ có 12 vụ liên quan đến rửa tiền từ tội phạm nước ngoài được chuyển cho cơ quan thực thi pháp luật. Dù FATF thừa nhận UAE đã có sự tiến bộ trong việc điều tra và truy tố các vụ rửa tiền, nhưng số lượng vụ án được đưa ra tòa vẫn còn rất ít, đặc biệt là tại Dubai, nơi tập trung nhiều hoạt động tài chính đáng ngờ.

Mặc dù đã được loại khỏi “danh sách xám” của FATF, nhưng UAE vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và củng cố các cải cách đã thực hiện. Sự miễn cưỡng của Nghị viện châu Âu khi loại UAE khỏi “danh sách đen” cho thấy quốc tế vẫn còn lo ngại về sự thiếu minh bạch và khả năng chống rửa tiền của nước này.

Nếu không có sự cam kết thực sự và những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, Dubai có thể tiếp tục là thiên đường cho các hoạt động tài chính bất hợp pháp, bất chấp những nỗ lực cải cách của chính quyền. Quyết định gần đây của FATF có thể là bước đi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng Dubai không còn là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ rửa tiền và tham nhũng trên toàn thế giới.

Dương Nguyễn (Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra