Mô hình tòa án chuyên trách về chống tham nhũng một số quốc gia trên thế giới

Thứ ba, 04/04/2023 19:37
(ThanhtraVietNam) - Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi phạm tội liên quan đang diễn ra, nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan chống tham nhũng chuyên biệt (ACA) khác với các cơ quan tư pháp thông thường. Đã có rất nhiều nghiên cứu về các mô hình ACA, tuy nhiên có một hình thức chuyên môn hóa công tác chống tham nhũng khác, cụ thể là các tòa án chuyên trách về chống tham nhũng, lại ít được chú ý.

Mối quan hệ của tòa án chuyên trách về chống tham nhũng với hệ thống tư pháp thông thường

Tòa án chống tham nhũng có nhiều hình thức khác nhau. Một số được thành lập như các nhánh hoặc bộ phận đặc biệt của các tòa án hiện hành, trong khi một số khác là các đơn vị độc lập, riêng biệt trong hệ thống phân cấp tư pháp. Trong một số trường hợp, cá nhân thẩm phán được trao quyền đặc biệt để xét xử các vụ án tham nhũng, nhưng không có cơ cấu, đơn vị hoặc bộ phận chống tham nhũng riêng biệt. Đối với mô hình này, các thẩm phán được chỉ định có thể chỉ chuyên trách các vụ án tham nhũng hoặc họ cũng có thể tiếp tục phụ trách các vụ án khác. Ví dụ, ở Bangladesh và Kenya, các thẩm phán được chỉ định là thẩm phán đặc biệt không chỉ xét xử riêng các vụ án tham nhũng; thay vào đó, họ vẫn tiếp tục là thẩm phán xét xử các vụ án hình sự thông thường hoặc các vụ án đặc biệt khác. Ở Senegal, Tòa án chuyên trách về các vụ án liên quan đến việc làm giàu chính (CREI) có các thành viên được bổ nhiệm từ nhóm các thẩm phán cấp cao. Những thẩm phán này vẫn có thể tiếp tục làm việc tại các tòa án ban đầu ngay cả sau khi được bổ nhiệm vào CREI.

Vậy liệu tòa án chống tham nhũng có nên là một cơ quan riêng biệt hay không và liệu các thẩm phán được chỉ định có nên chuyên biệt về các vụ án chống tham nhũng hay không? Có lẽ đây là câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến mối quan hệ giữa các tòa án chống tham nhũng và cơ quan tư pháp thông thường. Trong hệ thống phân cấp tư pháp, tòa án chuyên trách về chống tham nhũng nên có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, hay xét xử phúc thẩm, hay kết hợp? Và tòa án nào nên có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các phán quyết của tòa án chống tham nhũng? Các quốc gia thành lập các tòa án chuyên trách về chống tham nhũng đã có những lựa chọn hoàn toàn khác nhau đối với những câu hỏi trên.

Việc phân loại các tòa án chống tham nhũng với phần còn lại của hệ thống phân cấp tư pháp trên thực tế lại trở nên hết sức khó khăn do có quá nhiều hệ thống khác nhau. Nếu chia theo chức năng, bốn loại chính có thể được phân biệt, cụ thể:

Thứ nhất, cách tiếp cận phổ biến nhất là để một tòa án chống tham nhũng đặc biệt đóng vai trò là tòa xét xử sơ thẩm, áp dụng mô hình này gồm: Bangladesh, Burundi, Cameroon, Nepal, Montenegro, Pakistan, Senegal, Sierra Leone, Slovakia, Sri Lanka và Thái Lan.

Thứ hai, một số quốc gia đã áp dụng hệ thống hỗn hợp, trong đó tòa án chống tham nhũng có thể đóng vai trò là tòa án sơ thẩm trong một số trường hợp (thường là trong các vụ án quan trọng) và là tòa án phúc thẩm trong các vụ án khác. Philippines và Uganda nằm trong nhóm áp dụng mô hình này. Tại Philippines, Sandiganbayan (Tòa án Nhân dân) có quyền tài phán ban đầu độc quyền đối với các hành vi phạm tội tham nhũng do các quan chức cấp cao thực hiện. Khi những hành tham nhũng do các quan chức cấp thấp hơn thực hiện, các tòa sơ thẩm khu vực có thẩm quyền xét xử ban đầu và Sandiganbayan có thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Hệ thống của Uganda cũng tương tự, trong đó Bộ phận Chống tham nhũng (ACD) của Tòa án Tối cao tại quốc gia này thường chỉ đóng vai trò là tòa sơ thẩm trong các vụ án lớn; trong các trường hợp khác, ACD xét xử các kháng cáo từ các thẩm phán sơ thẩm.

Tuy nhiên, có hai sự khác biệt quan trọng. Đầu tiên, ở Philippines, quyền tài phán ban đầu của Sandiganbayan bị giới hạn bởi luật pháp; trong khi ở Uganda, ACD có thẩm quyền xét xử ban đầu đối với tất cả các vụ án tham nhũng, nhưng theo quyết định của mình, ACD chỉ chọn đóng vai trò là tòa sơ thẩm trong các vụ án quan trọng. Mặt khác, ở Philippines, các quyết định của Sandiganbayan có thể được kháng cáo trực tiếp lên Tòa án Tối cao. Ở Uganda, các quyết định của ACD trước tiên được kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và sau đó mới đến Tòa án tối cao.

Thứ ba là mô hình áp dụng một bộ phận phúc thẩm đặc biệt. Ở Botswana, tất cả các vụ án tham nhũng ban đầu được xét xử bởi các tòa án sơ thẩm thông thường, nhưng các kháng cáo được đưa ra Tòa án chống tham nhũng (một bộ phận của Tòa án Tối cao Botswana), thay vì các tòa phúc thẩm thông thường. Các quyết định của Tòa án chống tham nhũng có thể được kháng cáo lên Tòa phúc thẩm, tòa án cao nhất trong hệ thống phân cấp tư pháp của Botswana, giống như bất kỳ các phán quyết nào khác của Tòa án Tối cao ở Botswana. Vì Tòa án Chống tham nhũng Botswana chỉ có chức năng phúc thẩm và không có chức năng như một tòa sơ thẩm, nên được xếp vào nhóm thứ ba: Mô hình áp dụng bộ phận phúc thẩm đặc biệt.

Thứ tư, và ngày càng trở nên phổ biến, là các hệ thống tòa án chống tham nhũng chuyên trách bao gồm cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Albania, Armenia, Malaysia, Indonesia, Ukraine, and Zimbabwe đã xây dựng những hệ thống như vậy.

Quy mô của tòa án: Cần bao nhiêu thẩm phán?

Số lượng thẩm phán cần thiết phụ thuộc một phần vào việc tòa chuyên trách là tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm hay cả hai. Ngay cả khi tính đến yếu tố này, các quốc gia cũng khác nhau khá nhiều về số lượng thẩm phán được bổ nhiệm làm công tác chuyên trách chống tham nhũng.

Ưu điểm chính của việc bổ nhiệm một số lượng lớn thẩm phán cho tòa án chống tham nhũng là sẽ thúc đẩy việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ án tham nhũng. Ví dụ, ở Philippines, Luật pháp đã cố gắng giải quyết tình trạng trì hoãn kéo dài các vụ án tham nhũng bằng cách tăng số lượng thẩm phán từ 15 lên 21. Một số nhà phê bình cho rằng mức tăng này gần như không đủ lớn và số lượng thẩm phán Sandiganbayan lẽ ra phải tăng gấp ba lần lên con số 45. Tuy nhiên, có ít nhất ba mối lo ngại tiềm tàng trong việc tăng số lượng thẩm phán của một tòa án chống tham nhũng chuyên trách.

Trước tiên, và rõ ràng nhất, đó là mối quan ngại về việc tìm đủ thẩm phán đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Nếu mục tiêu thành lập tòa chuyên trách không chỉ đơn giản là cải thiện tỷ lệ thẩm phán trên số vụ án tham nhũng mà còn để đảm bảo các thẩm phán có kinh nghiệm, trình độ cao phụ trách các vụ án này, thì việc việc tăng số lượng thẩm phán chuyên trách chống tham nhũng sẽ là một thách thức, ít nhất là ở các quốc gia có nguồn lực tư pháp hạn chế. 

Mối lo ngại thứ hai về việc mở rộng quy mô của tòa chuyên trách là việc tuyển dụng các nhân sự có trình độ cao cho tòa chuyên trách có thể thu hút nhân tài ra khỏi các tòa thông thường, gây tác động xấu đến phần còn lại của bộ máy tư pháp. Ở nhiều quốc gia, đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng, vì tổng số thẩm phán có trình độ cao sẽ đủ lớn so với quy mô của tòa án chống tham nhũng đặc biệt.

Thứ ba, tòa án chống tham nhũng chỉ được bố trí bởi các thẩm phán có tính liêm chính cao. Vì lý do này, một số tòa án chống tham nhũng sử dụng các thủ tục sàng lọc và lựa chọn đặc biệt. Nhưng càng tuyển dụng nhiều thẩm phán cho tòa án đặc biệt, thì càng khó áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chí liêm chính đó. Những diễn biến đáng lo ngại tại các tòa án Tipikor của Indonesia kể từ năm 2010 là minh chứng cho mối quan ngại này. Theo thiết kế ban đầu của hệ thống đó, mỗi hội đồng tư pháp bao gồm hai thẩm phán chuyên nghiệp và ba thẩm phán ad hoc (thẩm phán ad hoc là thẩm phán do một hoặc các bên tranh chấp không có thẩm phán mang quốc tịch nước mình trong thành phần của tòa đề cử tham gia Hội đồng xét xử), được lựa chọn theo một thủ tục sàng lọc cẩn thận. Các thẩm phán ad hoc này nổi tiếng về sự chính trực và công bằng. Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp về việc yêu cầu mở rộng hệ thống Tipikor, số lượng thẩm phán, bao gồm cả thẩm phán ad hoc cần phải tăng lên đáng kể. Không chỉ có những khó khăn nhất định trong việc bố trí nhân sự cho tất cả các vị trí mới này tại các địa phương, mà còn có nhiều báo cáo về hành vi sai trái của các thẩm phán mới, cho thấy việc kiểm tra và giám sát liêm chính không còn hiệu quả như trước đây. Kể từ vòng tuyển dụng đầu tiên vào năm 2010–2011, chỉ một số ít thẩm phán đặc biệt mới được bổ nhiệm vào các tòa án Tipikor. Mặc dù Luật yêu cầu thành lập các tòa án chống tham nhũng ở tất cả 347 quận của Indonesia, nhưng điều này đã không xảy ra kể từ năm 2022.

Tuyển chọn và miễn nhiệm thẩm phán

Ở hầu hết các quốc gia, các thẩm phán chống tham nhũng có tư cách là thẩm phán chính thức, do đó, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm và giám sát cũng giống như đối với các thẩm phán khác ở cấp độ tương đương của hệ thống phân cấp tư pháp. Tuy nhiên, một số quốc gia có các quy định đặc biệt đối với các thẩm phán trong tòa án chống tham nhũng, đáng chú ý nhất là liên quan đến việc bổ nhiệm. Ở Slovakia, các thẩm phán phải được thông qua kiểm tra an ninh, để đảm bảo rằng họ không có bất cứ điều gì trong lý lịch có thể khiến họ dễ bị tống tiền hoặc các hình thức ảnh hưởng không phù hợp khác. Yêu cầu này ở Slovakia ban đầu chỉ giới hạn đối với các thẩm phán của Tòa án Hình sự đặc biệt, nhưng sau đó đã được mở rộng cho tất cả các thẩm phán.

Những nỗ lực sâu rộng nhất nhằm thiết lập các quy tắc đặc biệt cho việc lựa chọn các thẩm phán tòa án chống tham nhũng đã diễn ra ở Indonesia và Ukraine. Các thẩm phán tại các Tòa án Tipikor ở Indonesia không chỉ bao gồm các thẩm phán chuyên nghiệp mà còn bao gồm thẩm phán ad hoc (thường là luật sư, giáo sư luật, thẩm phán đã nghỉ hưu và các chuyên gia pháp lý khác). Các ứng viên cho các vị trí thẩm phán ad hoc phải đáp ứng một loạt các tiêu chí lựa chọn nghiêm ngặt, với sự góp mặt của đại diện xã hội dân sự và thành viên Tòa án Tối cao trong Ủy ban tuyển chọn. Các thẩm phán Tòa án Tipikor sau đó được tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, chỉ được gia hạn một lần.

leftcenterrightdel
 Tòa án chống tham nhũng cấp cao của Ukraine

Tòa án chống tham nhũng cấp cao (HACC) Ukraine là tòa án chống tham nhũng duy nhất cho đến nay có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế trong quá trình lựa chọn tư pháp. Ủy ban Thẩm phán cấp cao quản lý quá trình tuyển dụng các ứng cử viên cho toàn bộ ngành Tư pháp Ukraine. Ủy ban này được hỗ trợ bởi Hội đồng liêm chính công (PIC) bao gồm 20 thành viên từ xã hội dân sự, học viện, giới truyền thông và các ngành nghề khác, những người tham gia sàng lọc đạo đức và sự liêm chính của các ứng cử viên tư pháp. Đối với việc lựa chọn các thẩm phán của HACC, Ủy ban được hỗ trợ bởi một hội đồng thứ hai, Hội đồng các chuyên gia quốc tế (PCIE). Hội đồng này gồm sáu chuyên gia quốc tế do các tổ chức quốc tế đề xuất với Chính phủ Ukraine. PCIE sàng lọc các ứng viên HACC về tính chính trực và đạo đức dựa trên các bản kê khai tài sản của họ, bản ghi nhớ của Cục Phòng, chống tham nhũng quốc gia, và các cuộc phỏng vấn. Để tiến hành quá trình lựa chọn, các ứng cử viên phải có ít nhất ba phiếu ủng hộ từ PCIE và chín phiếu ủng hộ từ PIC, hoặc tổng cộng 12 phiếu. Vì vậy, nếu một ứng cử viên bị bốn trong số sáu thành viên PCIE phản đối, thì người đó không thể tiếp tục quá trình này.

Nhìn chung, đến nay mô hình tòa án chuyên trách về chống tham nhũng còn tương đối mới. Mặc dù tòa án lâu đời nhất như vậy, của Philippines, được thành lập vào những năm 1970, nhưng không có tòa án chuyên trách chống tham nhũng nào được xác định là bắt đầu hoạt động trước năm 1999. Hầu hết các tòa án này mới chỉ được thành lập trong vòng hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, dù không phổ biến như ACA, nhưng các tòa án chuyên trách chống tham nhũng đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của các nhà cải cách đối với cuộc chiến chống tham nhũng./.

Dương Nguyễn
(Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra