Nhiều thông tin lạc quan về ngăn chặn đại dịch COVID-19 toàn cầu

Thứ sáu, 19/02/2021 09:21
Số ca nhiễm COVID-19 mới trên phạm vi toàn cầu đã giảm trong nhiều tuần liên tiếp kể từ đầu tháng 1.2021. Việc tiêm chủng đã được triển khai tại ít nhất 70 quốc gia. Chương trình vaccine COVAX dự kiến sắp phân phối cho nhiều quốc gia nghèo hơn những liều vaccine đầu tiên trong những tuần tới...

Số ca COVID-19 mới giảm nhiều tuần liên tiếp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca COVID-19 mới trên toàn thế giới đã giảm 16% vào tuần trước, xuống còn 2,7 triệu ca. Theo đó, ngày 16.2, thông tin trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, sử dụng số liệu tính đến 14.2, WHO cho biết, số ca tử vong mới cũng giảm 10% so với tuần trước đó, xuống còn 81.000 người.

Có 5 trong số 6 khu vực của WHO trên thế giới đã ghi nhận tỉ lệ số ca COVID-19 giảm xuống mức 2 con số, chỉ có khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca COVID-19 tăng 7%. Cụ thể, tuần trước, số ca mắc mới giảm 20% ở Châu Phi và Tây Thái Bình Dương, 18% ở Châu Âu, 16% ở Châu Mỹ và 13% ở Đông Nam Á.

Đầu tuần này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca mắc COVID-19 mới đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp, giảm gần một nửa, từ hơn 5 triệu ca trong tuần bắt đầu ngày 4.1.

“Điều này cho thấy các biện pháp y tế công cộng đơn giản có hiệu quả, ngay cả khi có các biến thể. Điều quan trọng lúc này là chúng ta ứng phó với xu hướng này như thế nào. Ngọn lửa vẫn chưa tắt, nhưng chúng ta đã làm giảm kích thước của nó. Nếu chúng ta ngừng chiến đấu trên bất kỳ mặt trận nào, nó sẽ bùng phát trở lại" - ông nói.

Bản cập nhật dịch tễ học của WHO cũng cho biết, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Anh đã được ghi nhận ở 94 quốc gia, tăng thêm 8 quốc gia. Sự lây truyền địa phương của biến thể, không phải các ca nhập cảnh nhiễm biến thể, đã được ghi nhận ở ít nhất 47 quốc gia.

Biến thể SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi được ghi nhận ở 46 quốc gia, tăng 2 quốc gia, với sự lây truyền địa phương ghi nhận ở ít nhất 12 quốc gia.

Trong khi đó, biến thể Brazil đã được phát hiện ở 21 quốc gia, tăng 6 quốc gia, với sự lây truyền địa phương ghi nhận ở ít nhất 2 quốc gia.

Chương trình tiêm chủng triển khai ở ít nhất 70 quốc gia

Ngày 17.2, Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 do hãng dược Mỹ Pfizer và hãng dược Đức BioNTech phát triển. Chương trình khởi động với 40.000 nhân viên y tế với những liều vaccine COVID-19 đầu tiên được tiêm tại một bệnh viện do chính phủ điều hành ở thủ đô Tokyo. Trong tuần tới, việc tiêm chủng sẽ triển khai ở khoảng 100 cơ sở y tế khắp Nhật Bản.

Trong nhóm nhân viên y tế được tiêm vaccine đầu tiên, 20.000 người sẽ tham gia một nghiên cứu để theo dõi các tác dụng phụ tiềm tàng mà vaccine có thể gây ra và tần xuất xảy ra những tác dụng phụ này. Những người được tiêm vaccine tham gia thử nghiệm sẽ được yêu cầu lưu lại dữ liệu hàng ngày trong vòng 7 tuần kể từ khi tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Tiếp sau nhóm nhân viên y tế này, hơn 3,7 triệu nhân viên y tế tuyến đầu của Nhật Bản sẽ bắt đầu được tiêm vaccine trong tháng 3, tiếp sau đó là 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên bắt đầu tiêm vaccine từ tháng 4. Sau đó, những người mắc các bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim và những nhân viên làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi sẽ được tiêm vaccine và cuối cùng là dân số Nhật Bản nói chung được tiêm vaccine.

Các cơ sở y tế ở Nhật Bản đã được trang bị đầy đủ tủ đông cực lạnh để bảo quản được vaccine ở nhiệt độ khoảng -75 độ C. Sau khi lấy ra khỏi tủ đông, vaccine cần được bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 5 ngày.

Trong khi đó, chương trình COVAX, nỗ lực mua và phân phối vaccine COVID-19 toàn cầu nhằm đảm bảo các nước nghèo hơn cũng có thể tiếp cận vaccine, cho biết, danh sách lô vaccine cuối cùng cho những đợt giao hàng đầu tiên sẽ được công bố vào tuần tới, sau khi WHO cấp phép cho vaccine COVID-19 của AstraZeneca được sử dụng khẩn cấp.

Hôm 15.2, WHO đã chấp thuận sử dụng khẩn cấp cho vaccine của AstraZeneca-Oxford được sản xuất tại các nhà máy ở Ấn Độ và Hàn Quốc. Với quyết định này, vaccine của hãng hiện có thể được vận chuyển thông qua COVAX, mang tới cho nhiều quốc gia những liều vaccine đầu tiên. "COVAX dự báo phần lớn đợt giao hàng đầu tiên diễn ra vào tháng 3, với một số lô hàng sớm diễn ra vào cuối tháng 2" - WHO, tổ chức đồng lãnh đạo chương trình, nêu trong thông cáo.

Danh sách phân phối tạm thời được công bố ngày 3.2 có 337,2 triệu liều vaccine ban đầu của chương trình, với 1,2 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech, còn lại là vaccine của AstraZeneca. Cả 2 loại vaccine này đều đã được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.

Khoảng 145 nền kinh tế tham gia chương trình COVAX sẽ nhận đủ liều để tiêm chủng cho 3,3% dân số vào giữa năm 2021. "Việc giao hàng cho đợt phân bổ đầu tiên sẽ diễn ra trên cơ sở luân phiên và theo từng đợt" - thông cáo của COVAX lưu ý.

Theo Laodong.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra