Theo dữ liệu được cung cấp từ bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Serbia không có quá nhiều thay đổi về mức độ tham nhũng từ năm 2012 đến năm 2020. Kể từ năm 2012, điểm CPI của Serbia dao động từ 39 (với 0 là mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch) vào năm 2012 đến 42 là số điểm cao nhất vào năm 2013 và 2016. Số liệu đó cho thấy sự trì trệ của quốc gia này trong công tác phòng chống tham nhũng.
Sự trì trệ này cũng biểu hiện rõ qua Chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) từ năm 2010 đến 2018. Trên thang điểm từ -2,5 (hiệu suất quản trị thấp) đến 2,5 (hiệu suất quản trị cao), Serbia đạt số điểm -0,29 vào năm 2010, mức tốt nhất là năm 2014 với -0,23 điểm sau đó tăng lên -0,38, mức tệ nhất vào năm 2017 và 2018.
Nhận thức của người dân được đo lường bởi Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cung cấp thêm nhiều sắc thái hơn. Năm 2013, một năm sau cuộc bầu cử Đảng Cấp tiến cầm quyền Serbia (SNS) vào Chính phủ, phần lớn số người được hỏi (37%) tin rằng mức độ tham nhũng vẫn chưa có nhiều thay đổi. 34% số người được hỏi nghĩ rằng tham nhũng đã giảm đáng kể. Chỉ có 7% số người được hỏi nhận thấy rằng tham nhũng đã tăng lên. Trong GCB năm 2016, 35% số người được hỏi cho rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước và 60% trả lời rằng Chính phủ chưa làm tốt trong việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, Chính phủ Serbia cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện hệ thống pháp luật chống tham nhũng. Trong 10 năm qua, Serbia đã ban hành một số bộ luật mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Tháng 3/2018, Luật Tổ chức và Quyền hạn của các cơ quan chính phủ trong việc trấn áp tội phạm có tổ chức, khủng bố và tham nhũng có hiệu lực thi hành. Bộ luật này quy định các cơ quan có thẩm quyền điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng. Về việc truy tố tham nhũng, Luật cho phép thành lập các bộ phận chuyên môn trong Văn phòng Truy tố Công cộng cấp cao ở bốn thành phố lớn nhất Serbia, với sự tham gia của các chuyên gia pháp y và công tố viên tài chính. Nội quy tố tụng của Quốc hội nêu rõ cơ quan có thẩm quyền phải xem xét các báo cáo trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày trình Quốc hội xem xét, quyết định các kiến nghị để cải thiện tình hình. Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ thực hiện các kiến nghị của các cơ quan độc lập.
Tiếp đó, Luật Vận động hành lang cũng được thông qua vào tháng 11/2018 và có hiệu lực vào tháng 8/2019. Mục đích của bộ luật này là thúc đẩy tính minh bạch và bảo vệ lợi ích công cộng trong quá trình tác động đến các quan chức và tổ chức nhà nước.
Về Luật Tiếp cận thông tin, các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật được Bộ Hành chính và chính quyền địa phương đưa ra trong tháng 9/2019. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn trong việc thực hiện các quyết định này. Serbia cũng đã có Luật Bảo vệ người tố giác từ năm 2015, được coi là một trong những quy định về tố giác tiên tiến nhất ở châu Âu.
Luật Mua sắm công được thông qua vào tháng 12/2019. Mặc dù Luật tuân theo các chỉ thị của EU về chủ đề này, nhưng nó cũng được phát hiện là chưa hiệu quả vì có sự mâu thuẫn với hệ thống pháp luật Serbia. Do đại dịch COVID-19, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã đề xuất Chính phủ và Quốc hội nên hoãn việc ban hành Luật đến tháng 1/2021, trước đó, theo kế hoạch Luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2020.
Tháng 5/2019, Serbia đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng mới. Luật này cải thiện một vài quy định về quyền hạn của Cơ quan chống tham nhũng (ACA) liên quan đến việc kiểm soát khai báo tài sản của người có chức vụ và về việc bổ nhiệm các quan chức ACA. ACA được thành lập như một cơ quan nhà nước hoạt động độc lập, với vai trò phòng ngừa tham nhũng, và chịu trách nhiệm trước Quốc hội Serbia. ACA chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng quốc gia năm 2013 - 2018; giám sát việc kê khai tài sản đối với người được chỉ định; phối hợp công tác với các cơ quan khác trong việc phòng, chống tham nhũng;...
Vào tháng 1/2020, Chính phủ Serbia đã thông qua một chiến lược hệ thống thông tin công cộng mới, còn được gọi là Chiến lược truyền thông. Chiến lược này được soạn thảo một cách minh bạch và toàn diện. Các cơ quan độc lập, phương tiện truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia tham vấn cho chiến lược này làm cơ sở thay đổi pháp luật để tạo ra một môi trường truyền thông độc lập, tự do và an toàn hơn.
Có thể nói, trong 10 năm qua, Serbia đã có những cải tiến đáng kể trong khuôn khổ pháp luật chống tham nhũng nhưng việc ngăn chặn tệ nạn tham nhũng vẫn luôn là những thách thức lớn đối với quốc gia này.
Quỳnh Nhi
Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre