Nước Anh cần hành động nhiều hơn để đẩy nhanh Brexit
Thứ sáu, 17/11/2017 10:02 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Thành viên Nghị viện châu Âu (EP), Manfred Weber vừa có cuộc gặp và thảo luận với Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May tại London ngày 15/11. Theo ông Weber, nước Anh cần hành động nhiều hơn nữa để tháo gỡ những điều khoản vướng mắc trong “vụ chia tay” Liên minh châu Âu (EU) nhằm tránh nguy cơ các cuộc thương lượng về Brexit có thể bị kéo dài hơn dự kiến.
Ông Weber nhận định nước Anh cần giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng, trong đó có những cam kết về tài chính. Hiện nay, các nhà lãnh đạo EU đang “nản lòng” trước sự thờ ơ và miễn cưỡng của London trong việc đưa ra con số sẽ chi trả để thực hiện những cam kết đối với khối này. Theo ước tính của EU, hóa đơn "ly dị" mà nước Anh cần thanh toán vào khoảng 60 tỷ euro (70 tỷ USD). Đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt ngăn cản EU đẩy mạnh đàm phán về thương mại và mối quan hệ trong tương lai với nước Anh.
Dự kiến vào tháng tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ quyết định liệu các bên đạt được sự tiến triển đủ nhiều để cuộc đàm phán bước vào giai đoạn mới. Mặc dù từng nghi ngại về khả năng có thể thúc đẩy đàm phán, nhưng sau cuộc họp với bà May, ông Weber nhận định những tiến bộ là có thể đạt được và có sự sẵn lòng thỏa hiệp.
Ngày 14/11, Hạ viện Anh bắt đầu tiến hành thảo luận dự luật rút khỏi EU, hay còn gọi là dự luật Brexit. Mục đích chính của dự luật Brexit là đưa những quy định của EU vào trong bộ luật của nước Anh, nhằm đảm bảo việc Vương quốc Anh rút khỏi EU sẽ diễn ra mà không gây xáo trộn mạnh. Sau khi thảo luận thông qua tại Hạ viện Anh, dự luật Brexit sẽ được trình sang Thượng viện để các thượng nghị sĩ cho ý kiến, xem xét lại lần nữa, sau đó sẽ trình lên Nữ hoàng thông qua để trở thành luật. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Mark Carney ngày 16/11 cho rằng, tất cả các giới ở nước Anh và châu Âu đều nhận thấy tầm quan trọng của việc đạt được một thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp cho việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit và sau đó đạt một thỏa thuận tốt đẹp về thương mại và đầu tư.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ITV, ông Carney nêu rõ: "Chính phủ, các nghị sĩ, giới doanh nhân, người dân trên cả nước, cũng như người dân tại châu Âu đều công nhận rằng vì lợi ích của tất cả mọi người, tối thiểu cần có một giai đoạn chuyển tiếp cho mối quan hệ mới". Ông Carney cũng nhấn mạnh cần có một quan hệ đối tác thương mại và đầu tư toàn diện và rộng mở giữa nước Anh và 27 nước EU vào cuối giai đoạn chuyển tiếp. Lâu nay ông Carney cho rằng, một thỏa thuận chuyển tiếp sẽ giúp Brexit diễn ra suôn sẻ và giảm bớt nguy cơ xáo trộn khi nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rời khỏi khối vào tháng 3/2019.
Các cuộc đàm phán giữa nước Anh và EU tiến triển chậm đã gây lo lắng cho nhiều doanh nghiệp. Nếu không có tiến triển trong các cuộc đàm phán, nước Anh có thể lỡ thời hạn chót tháng 12 tới chuyển sang thảo luận về quan hệ thương mại giữa hai bên, điều mà giới doanh nghiệp nhấn mạnh là rất quan trọng để họ đưa ra quyết định đầu tư./.
PV (Tổng hợp)