Phòng chống tham nhũng trong lực lượng cảnh sát ở một số nước châu Á

Thứ ba, 22/06/2021 14:54
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua một số quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Indonesia,.. đã đạt được những thành công nhất định trong công tác cải cách, thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình của lực lượng cảnh sát. Một số chương trình đã thu hút được sự tham gia của công chúng vào các vấn đề chính sách và thực thi pháp luật chống tham nhũng một cách hiệu quả,.. Dưới đây là kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore và Hồng Kông, họ cho thấy việc loại bỏ tham nhũng trong lực lượng cảnh sát là một quá trình dài và đầy rẫy khó khăn.

Singapore

Quốc gia thành công nhất trong việc làm trong sạch lực lượng cảnh sát ở châu Á là Singapore. Trước đây, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát là một vấn đề mang tính hệ thống trong và ngay sau thời kỳ thực dân Anh. Sau đó, nó trở nên tệ hơn vào ba năm Nhật Bản chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Những bằng chứng lịch sử chỉ ra rằng bản chất của tham nhũng trong lực lượng cảnh sát ở Singapore liên quan đến việc bảo vệ các tội phạm có tổ chức (chủ yếu là cờ bạc) và hối lộ rộng rãi. Vào những năm 1870, người Anh muốn thành lập ủy ban điều tra và các tổ chức chống tham nhũng khác, chẳng hạn như Chi cục Chống Tham nhũng (ACB), nhưng những điều này không đem lại hiệu quả.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát ở Singapore là: mức lương thấp (đối với các sĩ quan không phải người châu Âu), cơ chế kiểm soát hành vi của các sĩ quan còn hạn chế và khuôn khổ pháp luật chống tham nhũng trong lực lượng cảnh sát kém hiệu quả. Năm 1952, sau một vụ bê bối tham nhũng lớn trong lực lượng cảnh sát, chính quyền thuộc địa đã quyết định thay thế ACB bằng Cục Điều tra Tham nhũng Singapore (CPIB). Năm 1960, Chính phủ Singapore đã ban hành Đạo luật Phòng chống Tham nhũng, trong đó tăng cường đáng kể nhiệm vụ và quyền hạn của CPIB.

Sau những thay đổi pháp lý này, CPIB được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều tra và xử lý các cáo buộc tham nhũng ở các cơ quan công cộng (bao gồm cả cảnh sát) và khu vực tư nhân. Sau những cải tiến này, Chính phủ Singapore cũng có những động thái như cải thiện tiền lương, phúc lợi và điều kiện làm việc cho các sĩ quan cảnh sát. Ngoài việc tăng lương, các sĩ quan cảnh sát cũng được cải thiện bảo hiểm y tế, các sĩ quan đã kết hôn được đảm bảo chỗ ở.

Sau đó, CPIB và lực lượng cảnh sát Singapore đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung với mục tiêu xác định rủi ro tham nhũng trong lực lượng cảnh sát, đưa ra các chính sách giải quyết những rủi ro này, theo dõi và xử phạt các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác. Ngoài việc bị truy tố, các sĩ quan cảnh sát ở Singapore cũng có thể bị phạt tiền, sa thải hoặc giáng chức. Mặt khác, các sĩ quan cảnh sát đã từ chối hối lộ có thể nhận được một số hình thức công nhận tích cực. Cảnh sát Singapore cũng nghiêm khắc hơn trong quy trình tuyển chọn nhân sự bao gồm kiểm tra tâm lý và phỏng vấn. Ngoài ra, cảnh sát Singapore đã đưa ra một số biện pháp khác như: yêu cầu viên chức báo cáo tình trạng tín dụng hàng năm của họ cho văn phòng tín dụng tiêu dùng; cấm một số sĩ quan cảnh sát đến các sòng bạc,...

Những nỗ lực này dường như đã đem lại rất nhiều hiệu quả. Singapore có tỷ lệ tội phạm tham nhũng trong lực lượng cảnh sát thấp hơn nhiều so với trước đây, bên cạnh đó nhiều vụ án tham nhũng đã được phơi bày và điều tra công khai trước công chúng. Nhìn chung, Singapore là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất ở châu Á. Thành công của Singapore trong việc giảm tham nhũng trong lực lượng cảnh sát không phải là kết quả của bất kỳ sự can thiệp cụ thể nào mà là kết quả của một quá trình cải cách toàn diện và kéo dài hàng thập kỉ.

Hồng Kông

Một ví dụ thường được đề cập khác về việc làm trong sạch lực lượng cảnh sát tương đối hiệu quả ở châu Á là Hồng Kông. Trong những năm 1960 và 1970, tham nhũng cực kỳ phổ biến trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Lực lượng cảnh sát có những cơ quan nội bộ chống tham nhũng của riêng mình, nhưng nó không có bất kỳ cơ chế độc lập nào và không được thực hiện một cách hiệu quả. Một vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn liên quan đến một cảnh sát trưởng của Hồng Kông năm 1973 đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn phản đối hành vi tham nhũng và kết quả là Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng (ICAC) đã được thành lập một năm sau đó.

Việc thành lập ICAC là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phòng chống tham nhũng của Hồng Kông nói chung và chống tham nhũng trong lực lượng cảnh sát nước này nói riêng. Từ năm 1977 trở đi, ICAC đã tiếp nhận và điều tra một số lượng tương đối lớn các khiếu nại tham nhũng và thúc đẩy một loạt các thay đổi chính sách nhân sự và cải cách tổ chức trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Nhìn chung, ICAC tập trung vào các rủi ro tham nhũng khác nhau bằng cách thực hiện chiến lược chống tham nhũng ba năm. Một phần quan trọng trong thành công của nhà nước trong việc giải quyết tham nhũng trong lực lượng cảnh sát thường được cho là do hiệu quả của ICAC với công tác điều tra và phản ứng nhanh đối với các khiếu nại về tham nhũng, đưa ra các sáng kiến để phòng chống các loại tham nhũng khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau (bao gồm gian lận trong thị trường nhà ở, tham nhũng vặt và tội phạm tài chính). 

Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị ở Hồng Kông trong những năm gần đây là nguyên nhân gây lo ngại rằng tính chuyên nghiệp và trung lập của cảnh sát Hồng Kông đang dần biến mất, nhất là khi lực lượng này trở nên thiếu trách nhiệm và bạo lực hơn./.

Quỳnh Nhi

(Nguồn: Transparency International Anti-Corruption Helpdesk Successful

 Anti-corruption reforms in the police in Asia”)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra