Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Ông Trump khẳng định động thái của mình chỉ đơn giản phản ánh thực tế rằng, Tây Jerusalem đang và sẽ tiếp tục là một phần của Israel. Ngay sau đó Tổng thống Trump đã vấp phải những phản đối từ hầu hết các nước trên thế giới đặc biệt là các quốc gia hồi giáo. Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng có Nghị quyết phản đối lại công nhận của ông chủ nhà trắng với số phiếu ủng hộ rất cao.
Đáp lại, Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Cụ thể ngày 21/12, Nghị quyết: "Phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel" được thông qua Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, gồm 193 thành viên, với tỷ lệ 128 ủng hộ, 9 phản đối, 35 phiếu trắng. 21 quốc gia không bỏ phiếu, trong đó có Ukraine, từng ủng hộ nghị quyết tại Hội đồng Bảo an, cho thấy một số nước bị tác động bởi lời đe dọa từ ông chủ Nhà Trắng. 9 quốc gia phản đối gồm Guatemala, Honduras, Israel, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Togo và Mỹ.
Phản đối mạnh mẽ dữ dội như Tổng thống Erdogan – Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc không bị lung lay bởi lời đe dọa cắt viện trợ của Mỹ liên quan tới vấn đề Jerusalem. "Tổng thống Trump, ngài không thể dùng tiền để mua ý chí dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định của chúng tôi là rõ ràng, hy vọng thế giới sẽ dạy cho nước Mỹ một bài học quý báu" – ông nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Erdogan
Mặt khác, Iran lại có cách riêng của mình khi Quốc hội Iran ngày 24/12 đã bỏ phiếu ủng hộ một dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel. Với kết quả này, việc công nhận Jerusalem là thủ đô Palestine sẽ trở thành nội dung Khoản 1 trong dự luật mới thể hiện sự ủng hộ của Iran đối với nhà nước Palestine. Quốc hội Iran dự kiến sẽ thảo luận về dự luật này trong 2 ngày tới. Iran là một trong những nước phản đối quan điểm của Mỹ về vấn đề Jerusalem và hối thúc cộng đồng quốc tế ngăn chặn quyết định của Mỹ để “duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng, tương lai của Jerusalem phải được làm rõ thông qua đàm phán giữa Israel và Palestine trên thực địa.
Một số quốc gia Hồi giáo tại châu Á-Thái Bình Dương cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bằng lời lẽ mạnh mẽ, Malaysia nhấn mạnh Mỹ "phải xem xét lại" quyết định trên vì động thái này sẽ chấm dứt "tất cả những nỗ lực" được đưa ra hướng tới việc giải quyết vấn đề Palestines cũng như sẽ "gây ra những hậu quả nghiêm trọng" cho sự ổn định của Trung Đông và "kích động những tư tưởng gây khó khăn hơn cho nỗ lực chống khủng bố."
Cùng chung quan điểm với các nước có đông tín đồ Hồi giáo, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng "lên án" quyết định của Tổng thống Trump.
Vấn đề Jerusalem hiện đang rất nóng trên toàn thế giới
Trong khi đó, Singapore "tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài và kiên định đối với giải pháp hai nhà nước" cho xung đột Israel-Palestines, đồng thời cảnh báo rằng "bất cứ hành động đơn phương và hấp tấp nào nhằm thay đổi tình trạng của Jerusalem sẽ cản trở tiến trình" hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Về phần mình, Nhật Bản - một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á - đã tránh đề cập lập trường rõ ràng về quyết định trên của ông Trump khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng Tokyo đang theo dõi tình hình với sự quan tâm lớn. Và vấn đề về tình trạng Jerusalem "nên được giải quyết thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thông qua các cuộc thương lượng giữa các bên liên quan
Còn Australia bày tỏ quan ngại về những căng thẳng đã gia tăng từ quyết định của Mỹ di chuyển đại sứ quán của nước này ở Israel. Ngoại trưởng Julie Bishop khẳng định Canberra không có ý định di dời đại sứ quán nước này tại Tel Aviv.
Trong khi cả thế giới tranh cãi thì Israel vẫn là kẻ có lợi nhất và đang nhanh chóng thúc đẩy dự luật mang tên “Jerusalem to lớn hơn” khi được Mỹ ủng hộ. Dự luật này nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Theo kênh truyền hình 10, phần lớn các tòa nhà mới sẽ được xây dựng trên khu vực nằm ngoài giới tuyến Xanh xác định các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Israel đã phát động kế hoạch đây dựng 300.000 ngôi nhà tái định cư tại Đông Jerusalem./.
PV