Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 23/7/2021 sau 1 năm trì hoãn vì dịch bệnh (Ảnh: AFP)
Olympic đầu tiên bị hoãn lại vì dịch bệnh
Olympic Tokyo 2020 không phải là kỳ Olympic đầu tiên trên thế giới bị hoãn lại. Nhưng các lần trước đó (Olympic Berlin 1916, Olympic Tokyo/Helsinki 1940, Olympic London 1944) đều bị hoãn và hủy vì lý do chiến tranh. Lần này, việc không thể tổ chức Olympic đúng thời điểm không phải vì lý do chiến tranh nữa mà do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Ngày 24/3/2020, Nhật Bản tuyên bố hoãn Olympic 2020, thời điểm sớm nhất có thể để tổ chức lại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh sẽ là vào hè 2021. Tuy bị hoãn lại 1 năm so với kế hoạch tổ chức ban đầu, nhưng Thế vận hội vẫn được giữ tên là Olympic Tokyo 2020 cho mục đích tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, Tokyo cũng là thành phố đầu tiên tổ chức 2 kỳ Olympic, lần đầu vào năm 1964.
Olympic Tokyo 2020 cũng đánh dấu mốc là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất nhất từ trước tới nay với 33 môn với 339 nội dung. Ngoài ra, cũng xuất hiện 15 nội dung thi đấu mới ở các môn đã có từ trước. Bóng đá và bóng mềm là những môn thể thao thi đấu đầu tiên vào ngày 21/7, trước 2 ngày so với lễ khai mạc. Các môn thể thao kết thúc muộn nhất vào ngày 8/8 trước lễ bế mạc.
Các sự kiện của Olympic Tokyo 2020 dự kiến diễn ra tại 41 địa điểm thi đấu và chính quyền Tokyo đã dành 400 tỷ Yen (hơn 3,67 tỷ USD) để trang trải các chi phí quảng bá, xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Ngoài sân vận động quốc gia mới, có sức chứa hơn 60.000 người với chi phí xây dựng khoảng 1,4 tỷ USD, một số điểm thi đấu từng diễn ra các cuộc thi đấu tại Olympic 1964 đã được cải tạo để tổ chức thế vận hội lần này.
Các trận đấu diễn ra mà không có khán giả
Có tổng số 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng hơn 11.000 vận động viên và thành viên các đoàn tham dự Olympic Tokyo 2020, hứa hẹn những trận thi đấu, so tài hấp dẫn trong suốt thời gian diễn ra. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử, những trận đấu được mong chờ sẽ diễn ra mà không có khán giả đến xem trực tiếp. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định sẽ không có khán giả trong các sự kiện diễn ra tại Tokyo và các tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa. Nhưng tại một số địa phương khác, bao gồm Fukushima sẽ có số lượng hạn chế người hâm mộ được tham gia các sự kiện. Thông báo này được đưa ra sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở thủ đô Tokyo với số lượng người mắc COVID-19 gia tăng.
Để đảm bảo an ninh cho Thế vận hội năm nay, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) của Nhật Bản đã triển khai gần 60.000 sĩ quan cảnh sát để bảo đảm an ninh cho sự kiện Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Đây là số lượng sĩ quan cảnh sát lớn nhất mà NPA đã từng triển khai để đảm bảo an ninh cho các sự kiện ở Nhật Bản. Mặc dù vậy, theo NPA, số lượng sĩ quan cảnh sát được triển khai vẫn ít hơn so với kế hoạch ban đầu, do phần lớn các địa điểm thi đấu ở 9 tỉnh, thành, chủ yếu là Tokyo, không cho phép khán giả vào sân do lo ngại về nguy cơ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự kiến trong lễ khai mạc ngày 23/7 sẽ có khoảng 15 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế sẽ tham dự, giảm hơn 50% so với số lượng quan chức tham dự Olympic Rio de Janeiro Games năm 2016.
Khác với các kỳ thế vận hội trước, trung tâm y tế của làng Olympic không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên mà còn có nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR hằng ngày cho thành viên của các đoàn thể thao.
Nỗi lo dịch bệnh bao trùm
Mặc dù các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng chống dịch bệnh lây lan, nhưng không thể phủ nhận về nỗi lo dịch bệnh COVID-19 đang bao trùm lên Olympic Tokyo 2020. Thậm chí nhiều người lo ngại, đây có thể là một sự kiện “siêu lây nhiễm” COVID-19.
Ngày 22/7, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ghi nhận thêm 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có liên quan tới Olympic Tokyo, trong đó có 2 ca là vận động viên (VĐV) đang lưu trú tại làng Olympic ở Harumi thủ đô Tokyo, nâng tổng số ca mắc COVID-19 có liên quan tới đại hội thể thao này kể từ ngày 1/7 đến nay lên 87 người. Hai VĐV mới được phát hiện mắc COVID-19 là nữ VĐV ván trượt Candy Jacobs của Hà Lan và VĐV bóng bàn Pavel Sirucek của CH Séc.
Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo bắt đầu thống kê số liệu về số ca mắc COVID-19 liên quan tới thế vận hội từ ngày 1/7. Con số thống kê này không bao gồm các VĐV đã mắc COVID-19 trong các chuyến đi tập huấn tiền Olympic ở Nhật Bản.
Trong khi đó, tại cuộc họp với chính quyền thủ đô Tokyo, các chuyên gia y tế cảnh báo trong 2 tuần nữa, Tokyo có thể sẽ trải qua cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ hơn làn sóng lây nhiễm thứ ba xảy ra cuối năm ngoái nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay.
Theo chính quyền thủ đô Tokyo, ngày 21/7, số ca mắc mới ở thành phố này là 1.832 ca, cao nhất trong hơn 6 tháng qua. Số ca mắc mới bình quân ở Tokyo trong tuần từ 15-21/7 là 1.277 ca/ngày, tăng 55,2% so với một tuần trước đó. Theo tính toán của các chuyên gia y tế, nếu tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay, số ca mắc mới ở Tokyo có thể đạt 2.598 ca/ngày vào ngày 3/8, vượt xa mức đỉnh 1.816 ca/ngày của làn sóng lây nhiễm thứ 3 được ghi nhận vào ngày 11/1/2021. Hiện Tokyo có 5.967 giường bệnh chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, với tỷ lệ lấp đầy là 41,3%. Trên toàn quốc, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ngày 21/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 4.943 ca mắc mới và 20 ca tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tăng thêm 16 ca lên 390 người.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Ban tổ chức đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa các đoàn thể thao cũng như giữa các đoàn thể thao và người dân bản địa. Đến nay, có ít nhất 75% vận động viên và thành viên các đoàn thể thao tham dự Olympic đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bản thân Nhật Bản cũng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trong nước. Khi các đoàn thể thao nước ngoài tới Nhật Bản, sau khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính, Ban tổ chức bố trí các xe buýt riêng chở họ từ sân bay về thẳng làng Olympic. Tại đây, các vận động viên sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên một xe buýt nhỏ hơn để về chỗ ở. Các nhà tổ chức chỉ cho phép các vận động viên vào làng vận động viên 5 ngày trước khi thi đấu, đồng thời yêu cầu họ phải rời khu vực này trong vòng 2 ngày sau khi kết thúc thi đấu.
Trong thời gian diễn ra Olympic, các nhà tổ chức sẽ tiến hành xét nghiệm hằng ngày đối với các vận động viên. Khi có vận động viên hoặc quan chức thể thao dương tính với virus SARS-CoV-2, tùy vào mức độ nghiêm trọng, họ sẽ được nhập viện hoặc chuyển tới một khách sạn bên ngoài làng vận động viên để cách ly. Đánh giá về các biện pháp phòng dịch quyết liệt của Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khẳng định Olympic Tokyo sẽ là “sự kiện thể thao được kiểm soát gắt gao nhất trên thế giới từ trước tới nay”.
Việc vẫn quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường chắc hẳn là một quyết định khó khăn của các nhà tổ chức, đặc biệt là của nước chủ nhà Nhật Bản. Bởi họ đã phải đấu tranh giữa việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn của hành tinh với sự chuẩn bị kéo dài trong nhiều năm, vừa phải căng mình đối phó trước những nguy cơ đang cận kề của dịch bệnh.
Nhưng nói như người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus: Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo ông, thế giới cần Thế vận hội lúc này như một sự kiện của hy vọng. “Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn. Tôi chân thành hy vọng Olympic Tokyo diễn ra thành công tốt đẹp", ông nói./.
Theo Dangcongsan.vn