Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu thuộc công ty dầu mỏ quốc doanh Aramco của Ảrập Xêút ngày 14/9, làm ngưng sản xuất tới 5,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 5% nguồn cung hàng ngày trên toàn cầu, là biến cố làm leo thang những gì đáng lẽ không nên xảy ra ở Vùng Vịnh. Song, khi điều không mong đợi đó xảy ra, nước Mỹ đã đặt chân vào một địa thế mới vô cùng nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Fiscal Times
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Iran về sự cố, đồng thời ám chỉ sẽ có hành động trả đũa theo dạng nào đó. Tehran kiên quyết phủ nhận có liên can đến vụ tấn công, trong khi nhóm vũ trang nổi dậy Houthi ở Yemen hiên ngang đứng ra nhận trách nhiệm. Hiện có nhiều luồng thông tin trái ngược nhau về việc các quả tên lửa hay máy bay không người lái được phóng đi từ đâu, điều dự kiến sẽ sáng tỏ hơn trong những ngày tới đây.
Trong khi đó, ông Trump được cho đang bị mắc kẹt trong tình thế do chính mình tạo ra, khi tiếp tục đẩy cao căng thăng hay xuống thang đều có vẻ không phải là lựa chọn hấp dẫn.
Không ai chắc chắn khi nào công ty Aramco có thể khôi phục mọi thứ như trước kia. Cuộc tấn công cho thấy sự phá hoại tinh vi. Các địa điểm quan trọng đã bị tập kích. Nếu các cơ sở này nhanh chóng được sửa chữa, việc đó sẽ giảm bớt tác động của sự cố.
Chiến tranh Iran - Iraq trong những năm 1980 cho thấy khả năng phục hồi của các cơ sở lọc dầu. Khi các máy bay ném bom của Iraq bắn phá đảo Kharg, nơi Tehran cho sản xuất lượng lớn nhiên liệu xuất khẩu, người Iran vẫn tìm được cách duy trì xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa, một cuộc chiến ngày nay cũng có thể xảy ra mà không gây gián đoạn lớn về sản xuất, mặc dù ảnh hưởng của các công nghệ tấn công và kháng cự mới có khả năng khiến mọi dự đoán trở nên thiếu chính xác.
Dựa vào các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, giới phân tích cho rằng, việc ngưng sản xuất kéo dài tới 5,7 triệu thùng dầu/ngày nhiều khả năng làm tăng gấp 4 lần giá dầu thế giới. Các kho dự trữ xăng dầu chiến lược có thể bù đắp tổn thất này ở một mức độ nhất định: hệ thống dự trữ của Mỹ có thể bơm 4,4 triệu thùng/ngày. Song, Mỹ sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ nhiên liệu sau 150 ngày với tốc độ ấy.
Hiện người ta không rõ liệu còn có thêm các cuộc tấn công nào sắp tới hay liệu những nỗ lực như vậy có thể bị lực lượng không quân hay hệ thống phòng thủ tăng cường ngăn chặn thành công hay không. Tất cả những gì có thể chắc chắn hiện nay là, một ván bài lớn sẽ dẫn đến một giai đoạn mới.
Cây bút bình luận David Hendrickson viết trên trang The American Conservative rằng, ngay từ đầu, biến cố dường như là hậu quả từ quyết định của chính quyền ông Trump nhằm bóp nghẹt Tehran thông qua cắt đứt khả năng xuất khẩu dầu mỏ. Đây giống như một hành động tuyên chiến về kinh tế. Và tình hình đang tiến triển theo hướng phần nào chứng minh tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani rằng, nếu nước này không được phép xuất khẩu dầu mỏ, những nước khác cũng sẽ gặp trở ngại.
Vụ việc được mô tả như sự "ăn miếng, trả miếng". Điều hài hước là, bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào đối với năng lực sản xuất dầu của Ảrập Xêút, một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, đều tạo ra nhu cầu cấp thiết phải triển khai năng lực dự phòng của Iran để bình ổn thị trường nhiên liệu thế giới.
Để nói chính xác bên nào có nhiều động lực làm căng hơn thực sự là một câu hỏi khó. Xét một cách công bằng, người Iran có thể nếu họ quyết tâm mạnh mẽ, sẵn sàng bắt Mỹ và nền kinh tế thế giới phải trả giá đắt. Họ được tin sẽ chỉ cân nhắc điều đó nếu bị gây áp lực cực kỳ nghiêm trọng. Trong hơn một năm qua, Mỹ cũng đã tạo sức ép vô cùng lớn đối với quốc gia Hồi giáo.
Ông Hendrickson lưu ý, mục đích cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống Iran là buộc Tehran phải tuân theo 12 yêu cầu do Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra ngày 21/5/2018. Trong đó, ông Pompeo khăng khăng rằng, lệnh cấm vận sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi một ủy ban nhiếp chính có sự ủng hộ của Mỹ được bổ nhiệm ở Tehran, đưa Cách mạng Hồi giáo đi theo những chỉ dẫn mới cho tới khi bối cảnh thay đổi và nền dân chủ Iran được khôi phục như trước đây.
Tối hậu thư trên gợi nhắc các đòi hỏi của Áo và Hungary đối với người Serbia vào năm 1914. "Hãy khiến họ trở nên càng cực đoan càng tốt" là câu nói của những nhà ngoại giao tìm kiếm chiến tranh. Phản ứng của thế giới khi đó là không ủng hộ. Winston Churchill, phụ trách Hải quân Anh lúc bấy giờ, gọi đó là "văn kiện xấc xược nhất từng được tạo ra".
Sự tương đồng giữa những yêu sách trong quá khứ với tối hậu thư của ông Pompeo hầu như không cho thấy một cuộc khủng hoảng giống năm 1914 trong hiện tại, nhưng thể hiện rõ sự cao ngạo của những quan chức chủ chiến ở Mỹ.
Cây bút bình luận Hendrickson tin, việc chính quyền ông Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA với Iran chủ yếu là vì Israel và những yêu cầu an ninh của nước này. Theo Washington, Iran không những không được phép sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào, mà còn không được nắm giữ bí quyết sản xuất chúng nếu phá vỡ các cam kết theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và thỏa thuận JCPOA.
Điều này dẫn đến một đòi hỏi đối với quốc gia Hồi giáo mà không cường quốc cỡ trung bình nào khác từng phải chịu đựng. Do vậy, bản yêu sách 12 điểm của Mỹ rõ ràng không giúp giải quyết vấn đề, thay vào đó lại tạo ra khủng hoảng như hiện tại.
Mặt khác, chính sách của Mỹ đối với Ảrập Xêút gần đây chủ yếu là vì bán vũ khí. Có nhiều ý kiến cho rằng, các công ty dầu mỏ có vai trò lớn trong tình cảnh hiện nay, nhưng thực tế ảnh hưởng của họ chỉ là thứ yếu. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, những gì thúc đẩy các sự kiện trong thời gian qua là sự thèm khát của ngành công nghiệp quân sự Mỹ trong việc bán vũ khí công nghệ cao, với giá đắt đỏ cho những vị quốc vương thừa mứa tiền của.
Các ông lớn trong ngành công nghiệp hiểu rằng họ chỉ cần thâu tóm thị trường nước ngoài để đút túi những khoản lợi nhuận kếch xù. Các chính trị gia xem những thương vụ như vậy là cách khiến vũ khí Mỹ bán chạy và do đó có lợi về mặt chính trị. Vì những lí do này, việc bán vũ khí đã trở thành một động cơ quan trọng thúc đẩy chính sách đối ngoại của Washington.
Việc Mỹ hỗ trợ và ủng hộ cuộc chiến của Ảrập Xêút ở Yemen, do đó bị tố cáo không phải vì "chính nghĩa" mà chỉ vì sức hấp dẫn của các hợp đồng chuyển giao vũ khí béo bở. Trong khi đó, phe Dân chủ chống Trump lại hành động đúng như những gì từng được mô tả về Nữ hoàng Áo Maria Theresa sau quá trình phân chia chiếm đóng Ba Lan năm 1772: "Bà ấy khóc, nhưng bà ấy vẫn làm".
Lãnh đạo Nhà Trắng lần này dường như đã vượt qua chính mình. Ông sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton vì không thích các đề xuất hiếu chiến của chính khách này, nhưng ông đã chấp thuận sự thay đổi rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề Iran do ông Bolton đề xuất.
Ông Trump từng cho rằng bản thân kiềm chế được sự leo thang xung đột. Nhưng khi ông tuyên bố ý định bóp nghẹt một quốc gia khác, ông đã hành động như tuyên chiến. Sự trả đũa từ phía bên kia đẩy ông vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Tổng thống Mỹ đe dọa trừng phạt, nhưng ông rõ ràng không muốn một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Iran. Những người ủng hộ ông và công chúng Mỹ nhìn chung đều phản đối xung đột quân sự với Iran. Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà quan sát khó hiểu là Washington rốt cuộc vẫn tuyên chiến với quốc gia Hồi giáo.
Liệu ông Trump có đang "sập bẫy" của chính mình? Theo giới quan sát, vị tổng thống đương nhiệm Mỹ đang đối mặt với sức ép lớn phải làm gì đó để trừng phạt Iran, nhưng hành động đó có thể trầm trọng hóa cú sốc dầu mỏ khắp toàn cầu và gây hại cho chiến dịch tái tranh cử của ông. Khi cân nhắc nguy cơ này, ông Trump có thể tìm cách lùi bước. Ông có thể sẽ cố thoát ra khỏi cái bẫy do cuộc chiến kinh tế chống Iran giăng ra mà không cần phải từ bỏ hẳn cuộc chiến. Kịch bản đó có thể khó thực hiện được như thông điệp của Iran cuối tuần vừa qua.
Ngược lại, nếu ông Trump từ bỏ cuộc chiến kinh tế chống Tehran, ông có thể hứng hàng tấn "gạch đá" từ cả hai phe trong Quốc hội. Truyền thông chắc chắn cũng sẽ đăng tải những ý kiến cáo buộc ông "khoan nhượng" với quốc gia Hồi giáo.
Dư luận đang chờ xem ông Trump sẽ xoay sở thoát ra khỏi thế kẹt hiện nay như thế nào.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet