Sau cải cách kinh tế những năm 1980 và 1990, phần lớn trợ cấp nông nghiệp ở Châu Phi đã bị lãng quên. Tuy nhiên, trong hai thập kỉ qua, các khoản trợ cấp đã được phục hồi, khi Chính phủ các nước vẫn luôn nỗ lực xây dựng các chương trình, dự án thúc đẩy tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Trong các chương trình này, trợ cấp phân bón đóng một vai trò quan trọng giúp tăng năng suất nông nghiệp.
Năm 2008, Ghana đã đưa ra các khoản trợ cấp cho một loạt các loại phân bón để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, chương trình đã gặp phải nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả trong việc thực hiện. Đặc biệt, tỷ lệ trợ cấp của Ghana là cao nhất ở Tây Phi (50%), điều này đã vô tình trở thành động cơ cho những tội phạm buôn lậu sang các nước láng giềng, nơi giá thị trường phân bón cao hơn.
Giảm buôn lậu và thực hiện hiệu quả hơn
Để ngăn chặn buôn lậu, một liên minh các tổ chức xã hội dân sự (CSOs) đã thúc đẩy trách nhiệm giải trình xã hội trong các cộng đồng đang được hưởng lợi từ Chương trình Trợ cấp phân bón (FSP) của Ghana. Các hoạt động mà họ thực hiện bao gồm thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như theo dõi sự phân bố của phân bón. Mục đích là để cải thiện tính minh bạch, xác định các hành vi buôn lậu và lạm dụng, qua đó giúp cho việc thực hiện FSP hiệu quả và có trách nhiệm hơn.
Một nghiên cứu mới đã đánh giá tác động của các sáng kiến trách nhiệm giải trình này. Nó cho thấy các biện pháp đã thành công trong việc giảm buôn lậu và cải thiện hiệu quả hoạt động của chương trình. Ví dụ, nhận thức cao về tội phạm buôn lậu đã khiến Chính phủ thực hiện kiểm tra giữa các điểm bốc xếp phân bón ban đầu với các nhà phân phối bán lẻ. Điều quan trọng hơn đó là các sáng kiến này cũng đã góp phần gia tăng sự quan tâm của công chúng vào các vấn đề công cộng.
Bên cạnh đó, các sáng kiến phần lớn phụ thuộc vào thiện chí của các quan chức công cộng. Ví dụ, nếu các CSOs đang theo dõi ngân sách, họ cần sự hợp tác của các quan chức để có quyền truy cập vào dữ liệu chi tiêu và doanh thu. Do đó, các CSOs chủ yếu chuyển từ cách tiếp cận cứng rắn (đối đầu) sang cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn (hợp tác). Do đó, họ hiện đang ngày càng hợp tác với các quan chức công cộng để tìm kiếm giải pháp.
Một số khó khăn
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định và có sự hợp tác tốt hơn nhưng sự phụ thuộc vào các quan chức công cộng cũng có nhiều hạn chế. Nghiên cứu cho thấy những người thực hiện trách nhiệm giải trình xã hội phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Chúng bao gồm các hạn chế về hậu cần, những dữ liệu cần thiết không có sẵn hoặc không có đầy đủ ở Ghana. Họ cũng có rất ít nguồn lực sẵn sàng để thực hiện các hoạt động. Việc phải rời xa trang trại hoặc công việc được trả lương quen thuộc hàng ngày để dành thời gian thực hiện trách nhiệm giải trình (không được trả lương) đã gây nhiều khó khăn cho họ.
Ngoài ra, những người tham gia vào các sáng kiến trách nhiệm giải trình cũng phải chịu chi phí cá nhân khá cao. Việc giám sát các hoạt động chống buôn lậu đôi khi làm gia tăng căng thẳng xã hội và thậm chí đưa sự an toàn cá nhân của những người chịu trách nhiệm giải trình xã hội rơi vào nguy hiểm.
Các CSOs cũng thiếu sự hỗ trợ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, có lẽ trở ngại nghiêm trọng nhất mà họ phải đối mặt là sự đồng lõa của các nhân viên chính trị, quan chức nhà nước, các nhà lãnh đạo truyền thống và các thành viên cộng đồng trong việc chuyển hướng phân bón được trợ cấp.
Những tác động tích cực
Nghiên cứu đưa ra kết luận rằng các sáng kiến trách nhiệm giải trình xã hội của Ghana có khả năng đem lại tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, những hạn chế và trở ngại luôn phải được xem xét và khắc phục. Đặc biệt, các nhà tài trợ, Chính phủ và CSOs phải xem xét làm thế nào để tăng cường mối quan hệ giữa trách nhiệm giải trình xã hội với hệ thống tư pháp, dịch vụ dân sự và các cơ quan chống tham nhũng chính thức...
Trách nhiệm giải trình xã hội ở Ghana cũng đã chứng minh khả năng của họ trong việc huy động các nhà hoạt động chống tham nhũng và tăng cường mối quan hệ giữa người dân và chính quyền địa phương. Nó cũng phù hợp với tư duy mới về các chiến lược chống tham nhũng hiệu quả, trong đó khuyến nghị chuyển từ các biện pháp can thiệp toàn hệ thống sang các biện pháp nhắm vào các lĩnh vực cụ thể, nơi chống tham nhũng vừa khả thi và vừa có khả năng tác động cao.
Chương trình trợ cấp phân bón của Ghana đáp ứng cả hai tiêu chí. Nó có tầm quan trọng chiến lược vì góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng năng suất nông nghiệp. Ngoài ra còn có các chủ thể được tập hợp để cam kết cải thiện việc thực hiện chương trình bằng cách hỗ trợ các cơ quan trách nhiệm giải trình.
Khuyến nghị cho các nhà tài trợ, Chính phủ và CSOs
Chính phủ và các nhà tài trợ có thể giúp thúc đẩy trách nhiệm giải trình xã hội bằng cách hỗ trợ xã hội dân sự và nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời đảm bảo tính nhất quán về chính sách của tất cả các hoạt động của họ trong một quốc gia. Ví dụ, họ có thể hài hòa các chính sách thương mại, ngoại giao, chính sách đối ngoại và chính sách phát triển của mình để tác động đến cải cách ở cấp độ chính trị. Việc hỗ trợ xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông độc lập thông qua các kênh tài trợ tiêu chuẩn cũng có thể chứng minh hiệu quả.
Các nhà tài trợ có thể tận dụng tầm ảnh hưởng của họ đối với Chính phủ để đảm bảo hợp tác giữa Chính phủ và CSO, do đó làm giảm ảnh hưởng của những người cản trở con đường cải cách.
Quỳnh Nhi
Nguồn: https://www.u4.no/publications/social-accountability-and-anti-corruption-in-ghanas-fertiliser-subsidy-programme/shortversion