Thúc đẩy truyền thông xã hội tham gia chống tham nhũng – Kinh nghiệm từ Nigeria

Thứ năm, 10/06/2021 15:59
(ThanhtraVietNam) - Cho đến nay, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đầy rẫy khó khăn đối với Nigeria. Thế nhưng một cách tiếp cận mới đang được nghiên cứu ở Nigeria - với một số thành quả đáng ghi nhận, đó là việc người dân huy động sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội để đưa ra bằng chứng buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm pháp luật của mình.

leftcenterrightdel
Nguồn: Internet 
Tham nhũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Đó là lý do tại sao ở các nước Châu Phi chống tham nhũng được nhấn mạnh là "ưu tiên số một".

Ở Nigeria, cơ sở hạ tầng đang trong tình trạng đáng báo động nhưng các quỹ để cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước này dường như luôn bị thiếu hụt hoặc phân bổ sai. Bên cạnh đó, các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng luôn được ưu tiên triển khai nhưng hầu hết đều không hoàn thành. Kết quả là hệ thống đường bộ, đường sắt và bến cảng của đất nước đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Không những thế, điều kiện sống của người dân Nigeria còn thiếu thốn rất nhiều, ví dụ như: điện, nước sạch, vệ sinh công cộng, nhà ở...

Nigeria đã chi hàng tỷ đô la Mỹ để phục hồi các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải nhưng điều đó gần như không đem lại hiệu quả. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng số tiền sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng thường xuyên bị chiếm đoạt bởi các quan chức công cộng và quan chức Chính phủ trên khắp lục địa.

Cho đến nay, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đầy rẫy khó khăn đối với quốc gia này. Thế nhưng một cách tiếp cận mới đang được nghiên cứu ở Nigeria - với một số thành quả đáng ghi nhận, đó là việc người dân huy động sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội để đưa ra bằng chứng buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm trước hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trên thực tế, cách tiếp cận này đã được thử nghiệm ở Peru và Hàn Quốc. Còn ở Châu Phí, Nigeria dường như là quốc gia đầu tiên giám sát các dự án cơ sở hạ tầng theo cách này.

Sử dụng mạng xã hội để thảo luận các vấn đề

Hiện nay, cũng đã có một nghiên cứu đang được tiến hành. Theo đó, nghiên cứu này phân tích xem việc sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội của người dân Nigeria với mục đích giám sát các dự án cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến việc nhiều dự án được hoàn thành hơn hay không - và có thể làm giảm tham nhũng được hay không.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn dữ liệu camera giúp người dân giám sát việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, vừa giúp tăng tính minh bạch, vừa có thể được sử dụng làm căn cứ buộc Chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng phải chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

Các doanh nghiệp và Chính phủ đã sử dụng những dự án giám sát này như một cách để cung cấp sự minh bạch cho người dân của họ. Theo kết quả nghiên cứu ở Uganda, tỷ lệ tham nhũng ở nước này giảm (20% trong vòng sáu năm qua) khi người dân được tiếp cận, giám sát các khoản chi tiêu tài chính. Nhìn chung, khi có sự giám sát của người dân đối với các quan chức Chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, họ sẽ khó có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Với cách tiếp cận này, trong một số trường hợp nhất định, công dân còn có thể làm việc cùng các bộ, ngành và thống đốc tiểu bang của họ bằng cách sử dụng mạng xã hội để tham gia vào các cuộc thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng. Sự tham gia của người dân đã được khuyến khích bằng cách họ có thể chụp ảnh các địa điểm cơ sở hạ tầng và gắn thẻ các thống đốc tiểu bang hoặc đại diện của họ trong các bài viết về các dự án cơ sở hạ tầng trên các trang mạng xã hội. Mặc dù không có phản hồi thường xuyên trong những lần đầu tiên nhưng khả năng tiếp cận và tính tương tác cao của mạng xã hội đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với các dự án mà người dân có thể tham gia giám sát -  trong khi thực tế những dự án như vậy lại quá ít.

Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng các cuộc thảo luận ngoại tuyến và trực tuyến thường xuyên đã giúp người dân nâng cao nhận thức về các dự án cơ sở hạ tầng và giúp họ đề xuất nhiều dự án hữu ích hơn cho cộng đồng.

Những thách thức

Cách tiếp cận này cũng có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, người dân cần nhiều thông tin quan trọng như: chi phí xây dựng, các giai đoạn chính của dự án, thời gian hoàn thành… để giám sát các dự án cơ sở hạ tầng một cách thích hợp. Chỉ khi đó, họ mới có thể so sánh những gì họ thấy với những gì đã được ngân sách chi trả để thông báo cho các cơ quan có liên quan ngay khi có sự khác biệt. Công nghệ mạng di động và quyền truy cập vào các nền tảng mạng xã hội cũng là cần thiết để thực hiện công việc này.

Thứ hai, một số người dân không muốn tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác vì lý do cá nhân. Ngoài ra, khi bằng chứng tham nhũng được báo cáo bởi người dân, một số người coi đây là một cuộc tấn công có động cơ chính trị. Kết quả là họ đã đả kích thay vì cố gắng giải quyết các hành vi tham nhũng bị phanh phui.

Ngoài ra còn có các khó khăn khác như:  thiếu hình phạt rõ ràng đối với các cá nhân liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng được giám sát chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa đạt tiêu chuẩn; thiếu sự giám sát của các cơ quan phòng, chống tham nhũng có liên quan. 

Công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội có thể được người dân sử dụng làm công cụ hiệu quả để giám sát các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng chỉ riêng điều đó thôi là chưa đủ. Nó chỉ có thể đạt hiệu quả nhất định nếu các khoản chi từ ngân sách cũng được minh bạch nhằm cho phép công dân biết những gì họ đang giám sát và những gì cần tìm kiếm.

Hơn nữa, điều này chỉ ra sự cần thiết của một cách tiếp cận toàn diện mới để giải quyết vấn nạn tham nhũng, bao gồm sự tham gia của người dân ngoại tuyến và trực tuyến. Trong bối cảnh này, công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội có thể được sử dụng như những công cụ bổ sung.

Nếu Chính phủ Nigeria nói riêng và các nước khác nói chung cùng với các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng và muốn minh bạch mọi hoạt động, họ có thể sử dụng cách tiếp cận như một cách củng cố lòng tin của người dân./.

Quỳnh Nhi

Nguồn: https://theconversation.com/can-social-media-help-anti-corruption-drives-a-nigerian-case-study-118190

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra