Trong hệ thống tư pháp của Slovakia, hầu hết các vụ án hình sự thường được xét xử bởi các tòa án ở 54 quận của Slovakia; kháng cáo từ các tòa án này được xét xử bởi tám tòa án khu vực và các quyết định của tòa án khu vực có thể được kháng nghị lên Tòa án Tối cao. Trong khi đó, thẩm phán của SCC có tư cách như thẩm phán của tòa án khu vực, nhưng SCC chỉ hoạt động như một tòa án xét xử sơ thẩm và là tòa án chuyên trách xử lý các vụ án liên quan đến tham nhũng, rửa tiền, tội phạm có tổ chức (theo Luật năm 2009) và các tội phạm nghiêm trọng khác như cố ý giết người. Mặc dù nó không phải là một tòa án chống tham nhũng, song các vụ án tham nhũng chiếm một phần đáng kể trong tài liệu của SCC.
Về cách hoạt động của phiên tòa, các trường hợp ít nghiêm trọng sẽ được xét xử bởi một thẩm phán duy nhất còn đối với các vụ án nghiêm trọng hơn sẽ được xét xử bởi hội đồng ba thẩm phán, với một thẩm phán chủ tọa và quyết định theo nguyên tắc đa số. Thủ tục bổ nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán SCC giống như thủ tục được áp dụng cho các thẩm phán thông thường. Mặc dù SCC là một tòa án chuyên biệt, nhưng họ không có quá nhiều yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt.
Điều kiện làm việc đặc biệt
Mặc dù điều kiện làm việc của các thẩm phán SCC chủ yếu giống với các thẩm phán của các tòa án khác, nhưng vẫn tồn tại một số khác biệt, đặc biệt là về tiền lương. Ngay sau khi thành lập Tòa án Đặc biệt năm 2003, Chính phủ Slovakia đã gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng thẩm phán, chủ yếu là do những rủi ro cá nhân liên quan đến thẩm quyền của tòa án đối với tội phạm có tổ chức. Chính phủ đã giải quyết bằng cách sửa đổi luật để cung cấp mức lương cao hơn đáng kể so với các thẩm phán của những tòa án thông thường. Điều này đã khắc phục vấn đề tuyển dụng nhưng gây ra sự phẫn nộ trong phần còn lại của các cơ quan tư pháp Slovakia. Sau đó, Chính phủ Slovakia lại đưa ra những sửa đổi luật khác vào năm 2009, các thẩm phán SCC vẫn được trả nhiều hơn các thẩm phán của các tòa án khác, nhưng sự khác biệt không còn nhiều và không còn gây ra tranh cãi.
Phụ thuộc quá nhiều vào OSP
SCC nổi tiếng về sự minh bạch và công bằng khi sẵn sàng kết án các quan chức nhà nước bị buộc tội tham nhũng, nhưng nhiều người trong cộng đồng chống tham nhũng của Slovakia vẫn phàn nàn rằng những trường hợp quan trọng nhất và liên quan đến những nhân vật quyền lực không bao giờ được trình lên SCC. Họ chỉ ra rằng OSP không đưa ra những trường hợp như vậy ngay cả khi có bằng chứng cụ thể. Theo các nhà nghiên cứu, các vụ án tham nhũng mà OSP đưa ra và SCC xét xử thường là những trường hợp hối lộ nhỏ, tham nhũng vặt liên quan đến các quan chức cấp thấp và số tiền không đáng kể. Trong những năm đầu của Tòa án Đặc biệt, trọng tâm liên tục của các cuộc tấn công là các nhân vật có ảnh hưởng lớn đến chính trị và tư pháp, nhiều người sợ rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm trước tòa án. Thế nhưng đến nay họ không còn quá quan tâm đến SCC bởi vì OSP dường như không sẵn sàng đưa ra các cáo buộc chống lại các nhân vật có quyền lực ngay cả khi có bằng chứng mạnh mẽ về hành vi sai trái.
Thẩm quyền
Thẩm quyền xét xử của SCC được xác định bởi loại hành vi phạm tội chứ không xác định bởi mức độ nghiêm trọng của nó. SCC xét xử tất cả các trường hợp hối lộ, bất kể số tiền hoặc địa vị của các quan chức nhà nước có liên quan. Một số người đã đề xuất thu hẹp thẩm quyền của SCC chỉ xử lý những vụ án tham nhũng lớn. Họ cho rằng thẩm quyền quá rộng của SCC đã vô tình khiến OSP và những người khác có một cái nhìn sai lệch về hiệu quả của Slovakia trong việc chống tham nhũng. Trong bảng số liệu thống kê tổng hợp các vụ án và tỷ lệ kết án đều cao, nhưng những con số đó thực chất lại được đệm bằng số lượng lớn các trường hợp ít nghiêm trọng.
Thế nhưng cũng có một số chuyên gia khác không đồng ý với ý kiến rằng thẩm quyền của SCC quá rộng. Các thẩm phán SCC cũng bảo vệ thẩm quyền của mình khi điều này cho phép họ tránh các vấn đề liên quan đến quản lý các vụ án tham nhũng có liên quan đến nhau và phá vỡ các mạng lưới tham nhũng địa phương. Hơn nữa, trong khi các tòa án chống tham nhũng của các quốc gia khác phải đối mặt với việc có quá nhiều trường hợp thì việc hạn chế thẩm quyền của SCC đối với những vụ án ít nghiêm trọng có thể tạo ra vấn đề ngược lại đó chính là có quá ít trường hợp dẫn đến khó khăn cho việc duy trì tổ chức.
Từ hoạt động của SCC trong thời gian qua có thể thấy, hiệu quả của tòa án chống tham nhũng phụ thuộc vào cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan công tố. Một tòa án chuyên trách chỉ có thể xử lý các trường hợp đã từng xảy ra trước đó, và nếu cơ quan thực thi pháp luật không thu thập bằng chứng hoặc nếu các công tố viên không quyết tâm đưa các vụ việc vi phạm pháp luật ra ánh sáng thì có rất ít tòa án chống tham nhũng chuyên trách có thể làm tốt nhiệm vụ của họ.
Ngoài ra, phải xem xét thận trọng thẩm quyền của Tòa án Đặc biệt. Cách tiếp cận phù hợp sẽ phải phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể, nhưng cần đánh giá những lợi thế tương đối của việc hạn chế sự tập trung của tòa án vào một số trường hợp quan trọng so với trao thẩm quyền rộng hơn đối với một số vụ án./.
Quỳnh Nhi
(Nguồn: https://www.u4.no/publications/specialised-anti-corruption-courts-slovakia.pdf)