Trao quyền cho phụ nữ và cuộc chiến chống tham nhũng tại Uganda

Thứ ba, 11/05/2021 08:07
(ThanhtraVietNam) – Tình trạng tham nhũng ở Uganda đang ngày càng trở nên tồi tệ: 69% người dân Uganda cho rằng tỉ lệ tham nhũng đã gia tăng kể từ năm 2014 (Tổ chức Minh bạch Quốc tế; Afrobarometer 2015). Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, quốc gia Châu Phi này đã đạt điểm 26 (0 là mức độ tham nhũng cao và 100 rất trong sạch). Các chương trình tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển của địa phương tại Uganda hứa hẹn đem lại kết quả tích cực nhằm tăng cường hiệu quả chống tham nhũng.

Khu vực phía Tây sông Nile và Karamoja trực thuộc miền Bắc đất nước Uganda. Từ năm 1986 đến 2006, miền Bắc Uganda đã xảy ra nhiều xung đột giữa Chính phủ nước này và đội quân kháng chiến của Chúa (một tổ chức tôn giáo và chiến binh hoạt động ở phía Bắc Uganda và Nam Sudan) gây ảnh hưởng nặng nề tới dân số đất nước này. Mặc dù các cuộc xung đột đã chấm dứt từ lâu, nhiều nơi phía Bắc Uganda vẫn phải chịu những tàn dư chiến tranh để lại tới gần hai thập kỷ sau đó. Các cuộc biểu tình, xung đột thường xuyên diễn ra giữa Chính phủ và các nhóm lợi ích, các cuộc chống đối bạo lực tranh giành biên giới và cả việc tấn công tình dục cũng như bạo lực về giới vẫn thường xuyên diễn ra căng thẳng. Hiệp hội cố vấn phân tích tính tổn thương của các cuộc xung đột (2013) nhận định, việc chiếm đoạt đất đai, tham nhũng và việc khai thác tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố chính gây ra các cuộc xung đột. Các tranh chấp về tài nguyên diễn ra trầm trọng – đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ – các cuộc tranh chấp biên giới cũng như lợi ích của việc khai thác tài nguyên đất đai cho các mục đích đầu tư đều là thách thức lớn đối với khu vực phía Tây sông Nile.

Karamoja có dân số khoảng hơn 950 nghìn người, nổi tiếng vì là tiểu vùng duy nhất tại Uganda có nền nông nghiệp vượt trội. Tuy vậy, Karamoja lại là tiểu vùng nghèo nhất với chỉ số phát triển con người thấp nhất Uganda. Ngoài các yếu tố khác, tình trạng không an toàn cũng như các vấn đề môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phúc lợi và lợi ích của người dân. Thái độ và hành vi phân biệt đối xử trong gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến việc phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội ở cả hai tiểu vùng Tây sông Nile và Karamoja. Điều này đặc biệt xảy ra ở Karamoja, nơi mặc dù đã tồn tại luật quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu là 18, nhưng một phần ba dân số ở đây tin rằng trẻ em gái nên kết hôn trước độ tuổi đó.

Về quyền tự do dân sự, phía Bắc là khu vực có thành tích đứng thứ hai ở Uganda. Luật pháp và chính sách quốc gia thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ đã nâng cao tỷ lệ đại diện của phụ nữ ở cấp huyện: 42% ủy viên hội đồng cấp huyện ở khu vực phía Bắc là phụ nữ và 4/5 người dân cho rằng tất cả các ứng cử viên phải có cơ hội chính trị như nhau, không phân biệt giới tính. Bất chấp những hạn chế còn tồn tại, tiếng nói cũng như sự tham gia của phụ nữ tại các cơ quan công quyền ở khu vực miền Tây sông Nile và Karamoja dường như tốt hơn các khu vực khác. Ở cả hai tiểu vùng, phụ nữ được tiếp cận sự bình đẳng (tòa án, cảnh sát và hội đồng địa phương). Tuy nhiên, những ý kiến ​​phân biệt đối xử vẫn tồn tại, nhất là khi 64% người dân được hỏi đều cho rằng nam giới là nhà lãnh đạo chính trị giỏi hơn phụ nữ. Trong những năm gần đây, Chính phủ Uganda đã thực hiện một số cải cách về thể chế nhằm công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và giám sát tiến trình của Chính phủ trong việc giảm khoảng cách về giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, một số chỉ số thực tiễn cho thấy mức độ nhận thức về tham nhũng vẫn đang xấu đi mặc dù quốc gia này đã có hệ thống quản lý và luật pháp về chống tham nhũng.

Rủi ro tham nhũng

Tình trạng tham nhũng ở Uganda đang ngày càng trở nên tồi tệ: 69% người dân Uganda cho rằng tỉ lệ tham nhũng đã gia tăng kể từ năm 2014 (Tổ chức Minh bạch Quốc tế; Afrobarometer 2015). Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, quốc gia Châu Phi này đã đạt điểm 26 (0 là mức độ tham nhũng cao và 100 rất trong sạch). Hiệu quả chống tham nhũng kém và sự suy thoái của Uganda được xác nhận bởi Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới. Năm 2006, chỉ số kiểm soát tham nhũng ở Uganda là 24 (0 tương ứng với thứ hạng thấp nhất và 100 đến cao nhất) và năm 2016 là 13. Theo báo cáo của Văn phòng Tổng kiểm toán Uganda, công quỹ đã bị biển thủ theo những cách ngày càng tinh vi. Nhiều sáng kiến ​​chống tham nhũng từ xã hội dân sự đã được đề ra, trong đó vai trò của phụ nữ được đặc biệt coi trọng. Cụ thể, các “câu lạc bộ ngân sách thôn bản” đã được thành lập và được đào tạo bởi diễn đàn NGO vì sự dân chủ của phụ nữ. Các nhà lãnh đạo cộng đồng được đào tạo ở Karamoja để giám sát ngân sách của các hội đồng địa phương nhằm đảm bảo rằng họ sử dụng các nguồn lực công một cách có trách nhiệm.

Dòng vốn viện trợ nước ngoài và thách thức về năng lực

Trong bối cảnh sau xung đột, các chính phủ thường không đủ năng lực để quản lý dòng chảy của các nguồn tài chính quốc tế một cách hiệu quả và minh bạch. Áp lực phân phối các nguồn lực và khả năng giải ngân kém của chính phủ tạo ra động lực cho tham nhũng và trục lợi nhằm tận dụng sự hỗ trợ quốc tế trong thời gian dài. Trong năm tài chính 2016/17, Quận Kotido ở Karamoja chỉ chi 38% ngân sách. Vào năm 2015, Tổng Kiểm toán phát hiện rằng quận Yumbe ở Tây sông Nile có số tiền chưa tiêu trên Tài khoản dịch vụ tư vấn nông nghiệp quốc gia (NAADs) chưa được hoàn trả vào quỹ hợp nhất.

Thương mại xuyên biên giới

Các hoạt động thương mại biên giới tại quốc gia này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Các lĩnh vực dễ bị tham nhũng là hải quan và biên phòng. Thông qua ưu thế của từng lĩnh vực, các hoạt động buôn bán bất hợp pháp có thể nhờ sự bảo vệ của các quan chức để duy trì. Tại Tây sông Nile và Karamoja, tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ, nguồn internet

“Di sản” thời chiến

Hậu quả của các cuộc xung đột trong lịch sử đã dẫn đến sự di cư của người dân địa phương và sự xuất hiện của những người tị nạn. Việc thiếu các cơ chế tư pháp tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng quản trị trong thời điểm hiện tại. Những người di cư và những người tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương do thiếu pháp quyền. Trong những năm gần đây, nạn buôn lậu người tị nạn đã trở thành một hoạt động béo bở do số lượng người tị nạn gia tăng trên thế giới, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng. Sự suy yếu của Nhà nước pháp quyền cũng như các cơ quan tư pháp thiếu nguồn vốn và kém hiệu quả của quốc gia này vô hình trung đã tạo ra môi trường dễ dàng cho tham nhũng. Gần đây, tại Uganda, tình trạng tham nhũng đã trở nên phổ biến trong các chương trình hỗ trợ người tị nạn.

Đất đai và tài nguyên thiên nhiên

Châu Phi đã trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do sự phong phú của đất đai phù hợp với sinh thái nông nghiệp giá rẻ, sự tồn tại của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nền kinh tế ngày càng tự do hóa. Nhìn chung, các quốc gia thu hút các nhà đầu tư vào đất đai có mức độ tham nhũng cao và quản trị kém bởi điều đó có thể tạo điều kiện cho các giao dịch được diễn ra nhanh chóng với giá rẻ, qua đó góp phần tối đa hóa lợi nhuận. Bên cạnh các giao dịch đất đai thương mại, tham nhũng thường là một thực tế phổ biến trong dịch vụ hành chính đất đai hàng ngày và Uganda là một trong những quốc gia có thành tích kém nhất (theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế 2013). Các lĩnh vực thường dễ xảy ra tham nhũng trong quản lý đất đai gồm: Phân định ranh giới và phân lô đất, xác định loại đất, quy hoạch và phân vùng, định giá đất, bán và cho thuê đất, thực thi quyền đối với đất đai, biện pháp khắc phục và bồi thường, giám sát các nhà đầu tư. Hiện nay, tại Uganda, hối lộ trong các dịch vụ đất đai ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi các quy trình phức tạp và tốn kém.

Tại Uganda, phụ nữ là nạn nhân chính của tham nhũng trong các dịch vụ đất đai. Các chuẩn mực xã hội phi chính thức và tập quán địa phương thường loại trừ phụ nữ khỏi quyền sở hữu đất đai. Đặc biệt, điều này cản trở phụ nữ tiếp cận quyền sở hữu đất đai, ảnh hưởng đến việc sử dụng và kiểm soát đất đai của họ, đồng thời ngăn cản phụ nữ hưởng lợi từ các cơ hội kinh tế do việc bảo đảm quyền sở hữu mang lại. Ngoài ra, phụ nữ đặc biệt dễ bị áp lực hối lộ. Họ có thể phải đối mặt với quấy rối tình dục, bạo lực và tống tiền hoặc bị buộc phải từ bỏ quyền lợi của mình. Tại Uganda, phụ nữ cũng gặp khó khăn trong việc nhận tiền đền bù khi thu hồi đất. 

Nền kinh tế phi chính thức

Nền kinh tế phi chính thức, được hiểu là nền kinh tế không bị đánh thuế và không bị giám sát bởi Chính phủ, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. Ở Uganda, sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế chủ yếu ở khu vực phi chính thức, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Khu vực phi chính thức và tham nhũng dường như diễn ra song song và có thể được giải thích bởi các điều kiện giống nhau như sự gia tăng gánh nặng thuế và hệ thống pháp luật không đầy đủ. Tham nhũng cho phép các doanh nghiệp phi chính thức được bảo vệ, ưu tiên nhiều hơn, và do đó, lợi nhuận đạt được cao hơn; các thanh tra thuế tham nhũng được hưởng lợi lớn từ các khu vực phi chính thức.

Các biện pháp giảm thiểu rủi ro tham nhũng

Phương pháp tiếp cận chống tham nhũng dựa trên giới

Tham nhũng không được nam giới và nữ giới nhận thức theo cách giống nhau. Hiểu được những khác biệt đó sẽ giúp xây dựng các cách tiếp cận chống tham nhũng thực tế và hiệu quả hơn. Các hình thức tham nhũng cụ thể ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều nhất, như tống tiền, tình dục, cần được công nhận và giải quyết một cách cụ thể. Tại Uganda, những hành động được thực hiện để giảm thiểu tác động của tham nhũng theo giới và thúc đẩy các chính sách giải quyết tham nhũng và bất bình đẳng giới gồm: Thu thập dữ liệu phân tách theo giới, nâng cao nhận thức về tác động khác biệt của tham nhũng, lồng ghép giới vào các chương trình chống tham nhũng, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, nâng cao năng lực và hỗ trợ thể chế của các lãnh đạo nữ, thúc đẩy ngân sách đáp ứng giới, lồng ghép phụ nữ vào lực lượng lao động trong các dịch vụ công...

Tận dụng các chuẩn mực xã hội và ảnh hưởng đến hành vi

Tại Uganda, cách tiếp cận tác động đến các chuẩn mực và hành vi xã hội thông qua việc thúc đẩy các giá trị và sự liêm chính đã ngày càng đánh thức sự quan tâm của các nhà chống tham nhũng và các học giả. Cách tiếp cận này có tầm quan trọng đặc biệt ở các tiểu vùng Tây sông Nile và Karamoja khi xét đến khoảng cách, sự thiếu tin tưởng giữa người dân địa phương và chính quyền quốc gia. Một số cách tác động đến các chuẩn mực và hành vi xã hội tại quốc gia này: (i) Thúc đẩy tính liêm chính và đưa vào chương trình giảng dạy nội dung chống tham nhũng trong các cơ sở công lập cũng như chương trình giảng dạy chính thức tại các trường học hoặc cơ sở giáo dục không chính thức; (ii) Thúc đẩy sự phát triển của xã hội để tạo ra một môi trường không khoan nhượng với tham nhũng, xây dựng các chuẩn mực mới về những hành vi được chấp nhận; (iii) Định hình dư luận thông qua các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông có thể phục vụ theo nhiều cách khác nhau, từ việc cho công chúng thấy những tác động tiêu cực của tham nhũng đến việc cung cấp một nền tảng vững chắc để công dân lên tiếng chống tham nhũng.

Giải quyết tham nhũng trong bối cảnh hậu xung đột

Tại Uganda, một số hoạt động thực tiễn đem lại hiệu quả đối với cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh hậu xung đột đó là: Điều chỉnh các biện pháp chống tham nhũng phù hợp với các mô hình tham nhũng và chất lượng lãnh đạo;  ủng hộ các thành quả từ cuộc chiến chống tham nhũng và làm cho chúng có thể nhìn thấy được, nhận thức được. Miền Bắc Uganda đã ghi nhận thành công chống tham nhũng đáng kể với các chương trình đào tạo trách nhiệm xã hội và trao quyền cho cộng đồng giám sát các dự án phát triển địa phương, có quyền khiếu nại với các quan chức chính quyền địa phương và trung ương trong trường hợp xảy ra sự việc bất thường. 

Do đó, có thể khẳng định, các chương trình tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển của địa phương tại Uganda hứa hẹn đem lại kết quả tích cực nhằm tăng cường hiệu quả chống tham nhũng trong bối cảnh hậu xung đột./.

Dương Nguyễn

Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra