Trung Quốc ‘bó tay’ với lạm phát?

Thứ bảy, 14/05/2011 11:24
Tuy Trung Quốc là quốc gia "xuất quân" sớm nhất ngăn chặn lạm phát nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Hàng loạt biện pháp được ban hành nhưng hình như vẫn "vô cảm".

Lạm phát ‘tăng tốc’

 

Giá cả tăng vọt đang làm “đau đầu” Chính phủ Trung Quốc. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, thước đo chính của lạm phát tăng đến 5,4% trong tháng 3 từ 4,9% trong tháng 1. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 32 tháng.

 

Trong khi đó, dù đạt mục tiêu hạ lạm phát xuống 4% nhưng số liệu chính thức công bố ngày 11/5 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 tăng 5,3%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng trong bốn tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng tới 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Hàng hóa bán lẻ tăng 17,4%, cao hơn mức dự kiến 16,5%. Sản xuất công nghiệp và đầu tư cũng cao hơn dự kiến, thậm chí đầu tư nhà ở tăng trên 33%, trong khi giá nhà ở tại các khu chung cư mới xây dựng ở các thành phố lớn tiếp tục tăng.

Theo đánh giá của Viện Kinh doanh Mỹ (AEI), lạm phát của Trung Quốc đang trong thời kỳ đỉnh cao và có thể gây mất ổn định. Do đó, Trung Quốc phải quyết định một số lựa chọn giải pháp để ngăn chặn lạm phát và khôi phục sự ổn định.

 

Báo cáo của AEI cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc phát triển quá nóng nhiều năm qua do nguồn vốn bên ngoài đổ vào nhanh hơn nguồn vốn từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài, tới mức Trung Quốc không thể áp dụng các biện pháp thông thường để ngăn chặn ảnh hưởng của nguồn vốn quá lớn.

 

Ngoài ra, lạm phát của Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng từ giá thực phẩm. Người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu đáng kể vào thực phẩm. Tuy nhiên, giá sản phẩm lại không mấy tác động tới hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Bởi vậy, việc Trung Quốc xuất khẩu lạm phát hoặc trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới phụ thuộc vào giá hàng hóa xuất khẩu.

 

Bên lề cuộc đối thoại Trung Quốc – Mỹ tại Washington mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phải thừa nhận, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay mà nước này phải đối mặt là lạm phát.

 

“Vấn đề mà chúng tôi đang đối diện hiện nay là lạm phát. Do đó, chúng tôi cần phải sử dụng chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, đồng thời còn phải xúc tiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế”, ông Vương Kỳ Sơn phát biểu trên chương trình truyền hình Mỹ “Charlie Rose Show”.

 

Trở tay không kịp?

 

Để tránh lạm phát tăng vọt, ngân hàng trung ương Trung Quốc nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất và nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế khối lượng tín dụng cho vay, qua đó, giảm khối lượng tiền tệ lưu thông.


Giải pháp thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc không mang lại hiệu quả.

 

Từ tháng 10/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bốn lần nâng lãi suất, 8 lần nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và bốn lần nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế khối lượng tín dụng cho vay, qua đó, giảm khối lượng tiền tệ lưu thông.

 

Sở dĩ giới chức Trung Quốc phải đưa ra thắt chặt tiền tệ như vậy là bởi theo họ, nguồn cung tiền quá lớn là một trong những tác nhân gây lạm phát. Tuy nhiên, ông Wang Jian, tổng thư ký đơn vị nghiên cứu vĩ mô của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc viết trong một bài báo trên Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc rằng, lạm phát ở nước này không phải là một kết quả của tình trạng cung tiền quá mức, do đó, chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn sẽ không thể kiềm chế lạm phát.

 

Trong khi đó, một chuyên gia khác lại cho rằng, lạm phát tại Trung Quốc không phải bắt nguồn từ lãi suất thấp, cũng không phải hoạt động đầu cơ quá mức. Nó có nguyên nhân do cung tiền không ngừng tăng bất chấp Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thế nào về kiềm chế lạm phát.

 

Theo chuyên gia này, chính sách khiến cung tiền tăng không ngừng chính là hành động neo tỷ giá đồng nhân dân tệ. Thế giới coi Trung Quốc như “nam châm” hút tiền, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư. Thông thường, trong hoàn cảnh đó, đồng nội tệ sẽ lên giá so với đồng ngoại tệ.

 

Tuy nhiên, để giữ được tỷ giá cố định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua nhiều USD và euro và thay đồng nhân dân tệ vào đó. Chính phủ như vậy thực chất đang tăng cung tiền. Và khi quá trình này tiếp diễn, lạm phát tại Trung Quốc sẽ vẫn leo thang.

 

Thêm vào đó, với quyết tâm chống lạm phát, đầu tháng 4, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối không tăng giá các mặt hàng thiết yếu và cho hay sẽ nghiêm khắc trừng phạt nặng nếu vi phạm.

 

Trường hợp Unilever, tập đoàn chế biến nông lương và mỹ phẩm của Anh-Hà Lan là một ví dụ điển hình. Vào tháng 3, tập đoàn này ra thông báo dự tính tăng giá xà phòng, bột giặt … Mặc dù sau đó, Unilever phải tạm hoãn kế hoạch nói trên nhưng Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc quyết định phạt tập đoàn này 2 triệu nhân dân tệ vì thông báo trái phép việc tăng giá.

 

Theo chuyên gia tài chính Tan Yaling, đây cũng không phải giải pháp hay bởi động thái kiểm soát của Chính phủ có thể “bóp nghẹt” các doanh nghiệp và khiến tăng trưởng giảm tốc.

 

Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm thuộc loại giá cả tăng nhanh nhất ở Trung Quốc và có xu hướng chiếm gần hết tỷ lệ lạm phát. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến gánh nặng cuộc sống của người công nhân hưởng mức lương thấp. Gánh nặng như vậy tạo nên nhu cầu đòi Chính phủ tăng lương tối thiểu.

 

Và để thuận theo lòng dân, Bắc Kinh có kế hoạch nâng lương lên hai con số (có nơi lên tới 40% một năm), để tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào ngành chế tạo nhờ nguồn nhân lực giá rẻ. Kết quả là, việc tăng mức lương tối thiểu cũng như tăng các khoản lương khác ở Trung Quốc thúc đẩy lạm phát tăng hơn nữa…

 

Sau khi hàng loạt biện pháp không phát huy tác dụng, Trung Quốc phải sử dụng đến chiêu bài cuối cùng là cho phép nâng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD để giảm bớt sức ép lạm phát ở trong nước.

 

Tuy nhiên, giải pháp này cuối cùng cũng cho thấy sự thiếu hợp lý của nó. Lấy ví dụ từ năm 2005 – 2008, giá dầu mỏ từ mức 50 USD một thùng, tăng lên 148 USD một thùng, biên độ tăng xấp xỉ 300%. Khi đó, dư luận quốc tế cho rằng, đây là do “nhu cầu của Trung Quốc” gây ra và lý do quan trọng nhất trong đó chính là: đồng nhân dân tệ tăng giá đẩy nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng theo. Và thứ mà Trung Quốc thích mua nhất và cũng cần mua nhất chính là tài nguyên, cho nên chỉ cần “nhu cầu của Trung Quốc” cao, giá tài nguyên sẽ tăng, dầu mỏ bị tác động đầu tiên.

 

Nếu đồng nhân dân tệ tăng giá trở thành cái cớ khiến các nhà đầu cơ quốc tế đẩy giá hàng hóa tăng lên, vậy đồng nhân dân tệ càng tăng, giá hàng hóa thế giới sẽ càng cao. Vì thế, ý đồ thông qua việc tăng giá tiền tệ để kiềm chế lạm phát không chỉ uổng phí mà trái lại còn khiến Trung Quốc phải chi trả với giá thành cao hơn.

 

Theo Bích Diệp

Báo Đất Việt

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra