Tương lai nào cho Syria dưới sự “nhào nặn” của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran?

Thứ sáu, 24/11/2017 08:56
Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vừa tuyên bố nhất trí tài trợ cho một hội nghị nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria.

Tuyên bố của 3 Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sau cuộc gặp ở Sochi (Nga) ngày 22/11 đã cho thấy vai trò ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga trong việc xác định hồi kết của cuộc nội chiến đang đi vào thoái trào sau gần 7 năm bùng phát.

Đề xuất của 3 nước về một hội nghị, dự kiến diễn ra ở Sochi, được đưa ra chỉ vài ngày trước vòng đối thoại mới về hòa bình cho Syria ở Geneva (Thụy Sỹ) do Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffran de Mistura triệu tập. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi, nhưng vẫn thất bại, của ông Mistura trong nhiều năm qua đang bị lu mờ trước động thái của Nga.

Tuyên bố ở Sochi cũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad, một tín hiệu cho thấy ông Assad cũng đã đồng ý với sáng kiến trên. Ông Putin cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác ở khu vực Trung Đông, cho thấy nỗ lực điều phối của Nga, qua đó nêu bật vai trò của Moscow trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Với tuyên bố ở Sochi, ông Putin dường như đang khắc họa nước Nga là trung gian ngoại giao mềm dẻo trong cuộc xung đột ở Syria, đáp lại những cáo buộc của phe đối lập Syria khi Moscow hậu thuẫn quân sự cho chính quyền ở Damascus.

leftcenterrightdel
 Tổng thống 3 nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp tại Sochi. (Ảnh: Sputnik)

Vai trò dẫn dắt của Nga

Cuộc nội chiến ở Syria đã khiến nửa dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo triền miên với hàng triệu người tị nạn sang các nước láng giềng.

Sau 2 năm can thiệp quân sự, Nga, đồng minh chính của ông Assad, đã giúp chính phủ Syria đảo ngược thế cờ theo hướng có lợi cho Damascus. Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đã giành lại phần lớn lãnh thổ từ phiến quân Hồi giáo và các tay súng nổi dậy lật đổ ông, bao gồm cả những nhóm do Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn.

“Người dân Syria sẽ quyết định tương lai của chính họ”, ông Putin khẳng định. “Rõ ràng, tiến trình cải cách sẽ không dễ dàng và sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp cũng như nhượng bộ từ tất cả các bên, bao gồm cả chính phủ Syria”.

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã kêu gọi đại diện phe đối lập Syria “cam kết tuân thủ chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và sự không chia rẽ của Syria” tham gia vào hội nghị hòa bình ở Sochi. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ai trong số những bên phản đối ông Assad sẽ được mời tham gia hội nghị này.

Tổng thống Putin cùng người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng mục đích quan trọng nhất của hội nghị là lên khuôn khổ cho “cấu trúc tương lai” của nhà nước Syria.

“Ẩn số” phe đối lập Syria

Cùng lúc diễn ra cuộc gặp của lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi là cuộc họp của phe đối lập Syria ở Saudi Arabia, nước cũng đang nỗ lực đoàn kết lập trường của các nhóm này trước vòng đối thoại hòa bình ở Geneva ngày 28/11.

Đối với nhiều thành viên phe đối lập Syria, hòa bình ở đất nước Trung Đông này không thể trở thành hiện thực nếu ông Assad chưa bị trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, bao gồm vụ việc mà các điều tra viên Liên Hợp Quốc đã kết luận là quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học. Và cuộc gặp ngày 22/11 tại Riyadh chứng kiến phe đối lập Syria vẫn chia rẽ lập trường về tương lai của ông Assad.

Theo hãng tin Al Arabiya của Saudi Arabia, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) đại diện cho phe đối Syria tại bàn đàm phán Geneva đang trục trặc khi có tới 10 người từ chức, trong đó có lãnh đạo của nhóm này, Riyad Hijab. Al Arabiya cho biết, ông Hijab vẫn kiên quyết giữ lập trường không thỏa thiệp về vai trò của ông Assad trong tương lai hậu chiến ở Syria.

Trong số các nhóm chống chính phủ Syria không thể không kể đến lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn lực lượng này có mặt trong bất cứ dàn xếp chính trị nào ở Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan coi lực lượng này là liên minh với phiến quân người Kurd, kẻ thù trong nước bị ông gọi là khủng bố.

“Việc loại bỏ các yếu tố khủng bố khỏi tiến trình này nằm trong ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Erdogan nhấn mạnh.

Về phía Liên Hợp Quốc, các quan chức coi tuyên bố ở Sochi là một bước tiến mang tính xây dựng và không cho rằng động thái này sẽ cản trở những nỗ lực của Đặc phái viên Mistura. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq khẳng định, “trọng tâm của chúng tôi vẫn là các cuộc gặp ở Geneve ngày 28/11 và chúng tôi hy vọng là tất cả những tiến trình khác đang diễn ra sẽ đóng góp cho sự thành công của vòng đối thoại này”./.

Theo Diệu Hương/VOV.VN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra