Theo Tổ chức Giám sát Tham nhũng Indonesia (ICW), tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên đã gây ra thiệt hại cho nhà nước ước tính khoảng 6,03 nghìn tỷ IDR vào năm 2019. Con số này nhiều hơn tổng thiệt hại do tham nhũng trong ngành ngân hàng, giao thông vận tải, chính phủ và dịch vụ bầu cử - bốn nội dung khác được ICW kiểm tra.
Vì tầm quan trọng đối với nền kinh tế xã hội và môi trường sinh thái của rừng, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (Komisi Pemberantasan Korupsi, KPK) đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các vụ tham nhũng liên quan đến rừng ngay trong những thập kỷ đầu tiên kể từ khi cơ quan này được thành lập. Tính đến cuối năm 2016, bộ phận thực thi của KPK đã khởi tố thành công sáu vụ án liên quan đến lâm nghiệp với 30 bị cáo tại tòa án.
KPK: Nhiệm vụ, quyền hạn và chính sách đối với ngành lâm nghiệp
KPK được thành lập theo Luật 30 năm 2002 với nhiệm vụ phòng ngừa và thực thi tham nhũng. Luật trao quyền cho KPK điều tra và truy tố các trường hợp liên quan đến các nhân viên thực thi pháp luật hoặc quan chức nhà nước, gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất 1 tỷ IDR. Mặc dù có cả quyền điều tra và truy tố, nhưng KPK không có quyền tài phán tuyệt đối đối với các vụ án tham nhũng, mà chia sẻ các quyền này với Cảnh sát Quốc gia và Văn phòng Tổng chưởng lý. Tuy nhiên, KPK có thể tiếp nhận các vụ việc từ Cảnh sát hoặc Văn phòng Tổng chưởng lý khi các cơ quan này hoạt động chậm tiến độ hoặc một số vấn đề khác theo quy định của pháp luật, ngoài ra, KPK có thể phối hợp và giám sát các cơ quan khác trong công tác kiểm soát tham nhũng.
Các hoạt động của KPK tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, thực hiện nghiên cứu về các rủi ro tham nhũng, đưa ra các khuyến nghị về cách giải quyết những rủi ro này và giám sát việc thực hiện các khuyến nghị. Ban Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của KPK đã thực hiện một số nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách. Nghiên cứu về ngành lâm nghiệp đầu tiên của họ được xây dựng vào năm 2010 đã xem xét hệ thống quản lý và quy hoạch diện tích rừng. Nghiên cứu đã xác định những điểm yếu trong các khía cạnh quản lý của các quy định, thể chế, hành chính và nguồn nhân lực của hệ thống thuộc Bộ Lâm nghiệp khi đó (nay đã được hợp nhất với Bộ Môi trường để tạo thành Bộ Môi trường và Lâm nghiệp). Nghiên cứu mô tả những thách thức đã nảy sinh trong quá trình phân định ranh giới rừng và khẳng định việc không quan tâm đầy đủ đến lập kế hoạch và thay đổi sử dụng đất trong tương lai là một vấn đề lớn.
Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016 về hệ thống hàng hóa cọ dầu, KPK một lần nữa nhấn mạnh sự yếu kém trong cơ chế cấp phép, giám sát và kiểm soát, cũng như sự chồng chéo lớn giữa các lĩnh vực được cấp phép dầu cọ cũng như các giấy phép thuộc nhiều lĩnh vực khác. Đến năm 2014, ngành cọ dầu của Indonesia đóng góp khoảng 6% –7% tổng sản phẩm quốc nội, phần lớn là xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, KPK xác định rằng thuế xuất khẩu hàng hóa không hiệu quả và việc thu thuế “chưa đạt mức tối ưu”.
Chiến lược Phòng, chống tham nhũng quốc gia đã được KPK, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas), Bộ Nội vụ, Bộ Cải cách Hành chính và Văn phòng Hành pháp của Tổng thống cùng đưa ra vào năm 2018. Một trong 11 điểm hành động của Chiến lược là cải thiện nền quản trị và tuân thủ dữ liệu trong ngành công nghiệp khai thác. KPK giám sát cẩn thận các chính sách về quản lý ngành Lâm nghiệp, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho chính quyền địa phương và quốc gia để thay đổi chính sách. Việc số hóa đang diễn ra cũng như tăng cường giám sát quản lý rừng theo Chính sách Một bản đồ của Indonesia được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tham nhũng một cách bền vững. Tuy nhiên, những nỗ lực phòng ngừa và thực thi trên thực tế vẫn chưa được lồng ghép, thậm chí còn hoạt động một cách yếu ớt. Các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này vẫn ngang nhiên tồn tại và việc tiếp thu các khuyến nghị của KPK cho đến nay còn hết sức hạn chế. Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2016, KPK đã đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với hơn 400 bị cáo, ít nhất 30 người trong số họ bị truy tố về tội tham nhũng liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Tất cả các trường hợp đều dẫn đến bản án có tội. Vụ án đầu tiên có phán quyết cuối cùng vào năm 2008 và vụ án cuối cùng vào năm 2016.
Thời gian điều tra, xét xử và kháng cáo
Theo luật pháp Indonesia, KPK kết hợp cả quyền điều tra và quyền công tố. Khi đã chuyển từ giai đoạn điều tra sơ bộ sang giai đoạn điều tra, KPK bắt buộc phải tiến hành truy tố và xét xử. Không giống như Cảnh sát và Văn phòng Tổng chưởng lý, KPK không thể tạm dừng quá trình điều tra hoặc cáo trạng. Nguyên nhân cho yêu cầu này xuất phát từ động cơ tiêu cực của Lệnh Chấm dứt điều tra/truy tố. Lệnh này cho phép cảnh sát và công tố viên có quyền quyết định tạm dừng các cuộc điều tra và truy tố, tuy nhiên vô hình trung, chính sự cho phép này lại tạo cơ hội đáng kể cho việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, như tống tiền các nghi phạm và nhân chứng bằng cách đề nghị tạm dừng điều tra để đổi lấy một khoản hối lộ.
Điều 23–29 Bộ luật Tố tụng Hình sự Indonesia quy định thời hạn tạm giam tối đa đối với người bị buộc tội là 40 ngày trong quá trình điều tra và tối đa 30 ngày trong giai đoạn cáo trạng. Nếu mức hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù trên chín năm thì có thể kéo dài thời hạn tạm giam tối đa là 150 ngày theo lệnh của thẩm phán tòa án cấp huyện. Do đó, nếu bị cáo bị tạm giam, các điều tra viên và công tố viên KPK phải chịu một số áp lực về thời gian để tiến hành xử lý nhanh chóng nếu họ không muốn trả tự do cho bị cáo trước khi xét xử (và có nguy cơ buộc họ phải được tại ngoại).
Luật 30 năm 2002, thiết lập KPK, đặt ra các mốc thời gian nghiêm ngặt để đưa ra các phán quyết: 90 ngày kể từ ngày bắt đầu xét xử đối với các tòa sơ thẩm, 60 ngày đối với các tòa phúc thẩm và 90 ngày đối với kháng nghị giám đốc thẩm. Các mốc thời gian này nhằm mục đích giảm thiểu xu hướng tích tụ các vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết. Thời hạn cho các phiên tòa sơ thẩm và giám đốc thẩm đã được kéo dài lên 120 ngày mỗi phiên tòa theo Luật 46 năm 2009 (gọi là luật Tipikor, liên quan đến thẩm quyền của các tòa án chống tham nhũng). Những thời hạn này đã được tuân thủ trong phần lớn các trường hợp của KPK.
Mặc dù các mốc thời gian từ khi bắt đầu điều tra cho đến các phán quyết cuối cùng không thể được thiết lập chỉ dựa trên các quyết định của tòa án, nhưng có vẻ như sau khi được truy tố, các vụ án chuyển khá nhanh qua các tòa án. Đây là điều đáng chú ý, không chỉ so với hệ thống tòa án chung của Indonesia mà còn so với các quốc gia khác, nơi các vụ án tham nhũng lớn thường kéo dài tại các tòa án trong một thập kỷ hoặc thậm chí lâu hơn.
Thu hồi tài sản và bồi thường
KPK có nhiệm vụ điều tra và truy tố các trường hợp liên quan đến nhân viên thực thi pháp luật hoặc quan chức nhà nước gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất 1 tỷ IDR. Tổn thất cho nhà nước (kerugian negara) phải được chứng minh là một phần của tội lạm quyền gây tổn thất cho nhà nước như tại Điều 2 hoặc Điều 3, nhưng điều này không áp dụng đối với các tội danh khác được liệt kê trong Luật 31 năm 1999 được sửa đổi bởi Luật 20 năm 2001.
Những khái niệm về điều gì cấu thành nên tài chính nhà nước (keuangan negara), những tổn thất liên quan đến nhà nước (kerugian negara) hoặc những tổn thất đối với tài chính nhà nước (kerugian keuangan negara) được định nghĩa khác nhau bởi các luật khác nhau, cùng nhiều lỗ hổng và sự chồng chéo đang là vấn đề được đưa ra tranh luận tại Indonesia. Trong vụ án East Kalimantan và Riau 1 khi bằng chứng về những thiệt hại cho nhà nước phải được chứng minh là một phần của việc lạm dụng quyền lực, các công tố viên KPK đã gặp nhiều vướng mắc trong việc định giá tiêu chuẩn của gỗ khai thác bất hợp pháp, với các tính toán do BPKP cung cấp.
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông, người ta cũng có thể ước tính được những thất thoát của nhà nước không chỉ bao gồm số lượng gỗ bị khai thác và bán bất hợp pháp, mà còn cả các khoản hối lộ đã được trả và bất kỳ khoản lợi nhuận bổ sung nào đã được chứng minh thu được từ hành vi bất hợp pháp. Trong vụ án gần đây chống lại cựu thống đốc Đông Nam Sulawesi, Nur Alam, lần đầu tiên KPK tính toán thiệt hại tài chính dựa trên sự suy thoái môi trường của đất đai, mặc dù các công tố viên né tránh việc tuyên bố chính thức rằng đây là những thiệt hại của nhà nước trong bản cáo trạng.
Trong số 30 bị cáo liên quan đến ngành Lâm nghiệp, các công tố viên KPK chỉ yêu cầu bồi thường (bồi thường) từ năm bị cáo và tòa án đã đồng ý cả năm trường hợp. Đáng chú ý, những cá nhân này là bị cáo trong hai vụ án đầu tiên mà tội danh chính là lạm quyền gây thất thoát cho nhà nước, vì vậy thất thoát ngân sách nhà nước cần phải được xác định như một phần của tội danh. Trong các vụ hối lộ và đưa hối lộ sau đó, chỉ có bản án của Amran Abdulah Batalipu là buộc ông ta phải bồi thường cho nhà nước.
Khuyến nghị về một mô hình truy tố mới
Tebang pilih là một thuật ngữ ban đầu được sử dụng liên quan đến khai thác rừng. Nó được dịch là “chặt hạ có chọn lọc” hoặc “phân loại cao” đề cập đến hoạt động gây tranh cãi là chặt cây có chọn lọc và để lại phần còn lại. Thuật ngữ này cũng được sử dụng để mô tả tính chọn lọc của KPK trong việc theo đuổi các vụ việc tham nhũng. Nghĩa vụ của cơ quan này theo Luật 30 năm 2002, phải đưa ra tòa tất cả các vụ việc mà họ điều tra, đã khiến KPK phải đặc biệt thận trọng chỉ bắt đầu các cuộc điều tra chính thức khi có bằng chứng ban đầu mạnh mẽ, để không bị thua kiện tại tòa và làm hỏng vụ án. Tỷ lệ kết án 100% đã dẫn đến các cáo buộc cho rằng tồn tại sự thiên vị trong các cuộc điều tra của KPK trong khi việc phân tích các phán quyết không cho phép có sự thiên lệch trong quá trình điều tra.
KPK đã truy tố hơn 30 bị cáo liên quan đến các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực lâm nghiệp, tất cả đều dẫn đến tình trạng phá rừng và sử dụng thương mại bất hợp pháp diện tích đất lớn ở Trung Sulawesi, Đông Kalimantan, Riau và Tây Java. Tất cả các bị cáo đều nhận án tù, và hiện tại hầu hết đều đã chấp hành xong án phạt tù và mãn hạn tù. Tuy nhiên, các công ty hưởng lợi từ các giao dịch tham nhũng lại không bị phạt và cũng không bị tước giấy phép hoạt động. Với việc bỏ qua các cáo buộc chống lại các công ty hưởng lợi từ các hành vi tham nhũng, cũng như việc không yêu cầu bồi thường tài sản, thu hồi toàn bộ số tiền phạm pháp, cộng với những thiệt hại tác động đến môi trường, các cáo trạng của KPK bị xem là không thỏa đáng.
Trước những chỉ trích, cơ quan này đã bắt đầu có những nỗ lực trong việc kiểm tra, giám sát các công ty hưởng lợi từ các thương vụ tham nhũng và xác định mức thiệt hại kinh tế gây ra do suy thoái môi trường, tuy nhiên, tiến độ thực thi vẫn còn quá chậm. Chỉ có hai vụ án liên quan đến lâm nghiệp đã được KPK truy tố kể từ năm 2016; điều này trái ngược với những nỗ lực trong việc ngăn chặn tham nhũng của cơ quan này thông qua Chiến lược Phòng chống tham nhũng Quốc gia.
Một số khuyến nghị cho việc truy tố các vụ án tham nhũng liên quan đến lâm nghiệp nói riêng và những lĩnh vực khác nói chung: Thực hiện một chiến lược ngăn chặn và thực thi chặt chẽ, được hỗ trợ bởi sự chia sẻ về cơ sở hạ tầng và thông tin; chỉ ra các công ty hưởng lợi từ các giao dịch tham nhũng; nhấn mạnh hơn vào việc thu hồi và thay thế tài sản; tiếp tục coi những tác động gây suy thoái môi trường là những thiệt hại về kinh tế của nhà nước và cần được yêu cầu bồi thường; yêu cầu thu hồi giấy phép hoạt động nếu tòa án xác định rằng chúng đã được cấp một cách bất hợp pháp.
Trong tương lai, KPK không chỉ tự hào về những hồ sơ kết án gần như hoàn hảo, mà nên tiến hành xây dựng những cải cách về pháp lý đối với các vụ truy tố trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, tạo tiền lệ mà Cảnh sát Quốc gia và Văn phòng Tổng chưởng lý có thể làm theo. Chỉ thị của chủ tịch KPK được bổ nhiệm gần đây Firli Bahuri đối với bộ phận thực thi của KPK về quyết tâm trấn áp những hoạt động tham nhũng trong khai thác mỏ và các doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên khác làm tăng kỳ vọng rằng sẽ có nhiều vụ án tham nhũng trong ngành lâm nghiệp được đưa ra ánh sáng hơn nữa trong tương lai./.
Dương Nguyễn
(Theo U4 Anti-Corruption Resource Centre)