Triển lãm về hạ tầng và công nghệ trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Ngày hội Internet 16.12. Ảnh: Anh Phượng
Hình thành ngành công nghiệp viễn thông
Trong suốt những năm 1945 - 1995, lĩnh vực viễn thông Việt Nam chỉ có duy nhất Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) là cơ quan duy nhất trên thị trường cung cấp dịch vụ.
Phải đến năm 1995, trước yêu cầu của phát triển kinh tế và xu hướng mở cửa ngày càng rộng, các công ty khác mới bắt đầu tham gia và thâm nhập ngành, đánh dấu sự tham gia thị trường của các công ty lớn ngành viễn thông như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel và Công ty Cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SaigonPostel).
Báo cáo ngành viễn thông Việt Nam 2020 do Vietnam Credit thực hiện cho thấy, với 3 phân nhánh cơ bản là dịch vụ viễn thông, thiết bị viễn thông và truyền thông không dây, ngành viễn thông Việt Nam vào năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ với 152 doanh nghiệp trong ngành cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép, với nguồn nhân lực là 77.205 người.
Trong số này, 3 công ty gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone nắm giữ hầu hết thị phần và thị trường ngành dịch vụ viễn thông Việt Nam được đánh giá là tập trung cao độ, phản ánh qua chỉ số đo lường mức độ cạnh tranh của thị trường HHI đạt 3.709,95.
Năm 2019 được ghi nhận là năm tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ gần đây của ngành viễn thông với tổng doanh thu toàn ngành đạt 470.000 tỉ đồng (xấp xỉ 21 tỉ USD), tăng 19% so với một năm trước đó. Với gần 126 triệu thuê bao di động mặt đất, tức lớn hơn so với dân số hiện tại là hơn 96 triệu người, các doanh nghiệp viễn thông bắt đầu đổi hướng sang lĩnh vực dịch vụ số để có nhiều dư địa phát triển hơn.
Sự chuyển đổi này được đánh giá là kịp thời theo xu hướng chung của thế giới với tốc độ tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây ước tính có thể đạt 40%/năm và quy mô của nền kinh tế Internet tại Việt Nam được đánh giá là 12 tỉ USD.
Vượt ra khỏi phạm vi nội địa, doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây liên tiếp mở rộng phạm vi hoạt động và chiếm lĩnh thị phần viễn thông tại nhiều nước trong khu vực và thế giới. Báo cáo ngành công nghệ - viễn thông năm 2020 vừa được PHS công bố cho thấy, Viettel hiện đang chiếm vị thế dẫn đầu về thị phần viễn thông di động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, Châu Phi và Mỹ Latinh với thị phần từ thấp nhất 13% đến cao nhất 56%.
Mục tiêu sản xuất 100% thiết bị viễn thông
Từ một doanh nghiệp nhà nước duy nhất cung cấp chủ yếu các dịch vụ viễn thông truyền thống, sau hơn 20 năm, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đến nay đang sản xuất được 70% các thiết bị viễn thông và mục tiêu trở thành nước nằm trong tốp 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu tất cả các thiết bị viễn thông.
Khi nói về mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thế giới về cơ bản hiện chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị điện tử viễn thông gồm Ericsson, Nokia và 2 doanh nghiệp của Trung Quốc. Việt Nam hiện nay đang sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông và vì vậy hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả các thiết bị viễn thông và tiến tới xuất khẩu.
Việc các nhà mạng Việt Nam tin dùng thiết bị Made in Việt Nam được đánh giá sẽ có ý nghĩa rất quan trọng vì hạ tầng kinh tế số là mạng lưới viễn thông. Hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc, mà là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, là nền tảng để đưa các ứng dụng đến và kết nối mọi người dân.
Thực tế chỉ sau hơn 10 năm mạng 3G được phát triển ở Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 51 triệu thuê bao 3G và 4G với tỉ lệ dân số được phủ sóng di động 3G, 4G đạt tới 99,7%. Bám kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới, mạng 5G cũng bắt đầu được tiến hành thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 2019 nhằm mục đích nâng cao chất lượng băng thông rộng.
Chính phủ vào tháng 5.2020 cũng ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP cấp phép thí điểm Mobile money và động thái này được đánh giá sẽ làm giảm thanh toán bằng tiền mặt, mở ra các cơ hội phát triển mới cho nhà mạng di động.
Đến năm 2025: Sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin
Chỉ số phát triển công nghệ thông tin (IDI) năm 2017 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố tăng điểm cho Việt Nam và xếp hạng Việt Nam vào vị trí thứ 108/176 quốc gia trên thế giới.
Bước sang năm 2018, chỉ số IDI của Việt Nam theo phương án tính điểm của ITU tiếp tục tăng điểm và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 81, tăng 27 bậc so với năm 2017. Sang năm 2019, với số liệu phát triển mới nhất được cập nhật, Việt Nam dự kiến tiếp tục nâng hạng lên vị trí thứ 77.
Theo ông Hoàng Minh Cường - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT), dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thực tế nhiều chỉ số quan trọng của viễn thông Việt Nam còn thấp hơn trung bình thế giới như tỉ lệ thuê bao băng rộng hay tỉ lệ sử dụng smartphone.
Ngoài ra chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6.2020 cũng xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI).
Do đó theo ông Hoàng Minh Cường, với mục tiêu nay, trong thời gian tới sẽ cần triển khai nhiều biện pháp, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để đưa viễn thông Việt Nam từ thứ hạng 77 lên trên 50. Ngay trong ngắn hạn, trọng điểm là 2020 - 2021, các doanh nghiệp phải tập trung triển khai 5G trước tiên tại các thành phố lớn và tại một số địa điểm có nhu cầu sử dụng cao; thúc đẩy hệ sinh thái 5G, trong đó các doanh nghiệp công nghệ tập trung nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G, bao gồm cả thiết bị mạng lưới và thiết bị đầu cuối.
Đồng thời sẵn sàng triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ số mới như mobile money, định danh số nhằm thúc đẩy tạo không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp viễn thông.
Theo Laodong.vn