WB kêu gọi cộng đồng quốc tế sớm hành động hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương
Thứ sáu, 08/09/2017 14:31 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Là nơi sẽ hứng chịu những hệ quả nặng nề nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu, song những đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương không đủ khả năng tự mình đối phó mà cần sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Đây là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo "Thái Bình Dương có thể".
Trong văn kiện công bố tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương ở đảo quốc Samoa, WB nêu rõ dù trong viễn cảnh lạc quan nhất, khi mực nước biển chỉ dâng thêm 40 cm vào năm 2100, những đảo quốc ở Thái Bình Dương vẫn sẽ phải tiêu tốn rất nhiều để xây dựng những đập ngăn nhằm bảo vệ bờ biển. Còn trong trường hợp tệ nhất xảy ra, mực nước biển dâng tới 126 cm sẽ gây ngập một diện tích rộng lớn những vùng đất có thể sinh sống ở những đảo quốc vốn chỉ nằm ngang mực nước biển hiện nay như Kiribati, Marshall hay Tuvalu. Báo cáo khẳng định, những đảo quốc này không thể tự chi trả cho những con đập ngăn nước biển tốn kém. Do đó, cộng đồng quốc tế nên cân nhắc những lựa chọn giữa việc hỗ trợ ngay từ ban đầu cho việc xây dựng những công trình này hoặc chờ lúc thảm họa thiên nhiên xảy ra và phải viện trợ cho những công tác cứu trợ và phục hồi.
Nước biển dâng cao sẽ làm một số hòn đảo có nguy cơ biến mất.
WB cũng nhận định, Kiribati và Tuvalu, hai đảo quốc chỉ cao hơn mực nước biển vài mét, sẽ cần cân nhắc đến việc di cư quy mô lớn. Theo đó, Australia cùng New Zealand, hai quốc gia giàu có và phát triển nhất khu vực có thể phải hỗ trợ bằng cách mở cửa thị trường việc làm. Với viễn cảnh này, báo cáo khuyến cáo nên sớm tiến hành việc di cư dần vì sẽ đỡ tốn kém và thích hợp hơn việc xử lý tất cả vào phút cuối, khi cần đến sự viện trợ khẩn cấp và tình hình trở nên khó kiểm soát.
Bên cạnh những vấn đề do biến đổi khí hậu, WB cũng gợi ý một loạt những cơ hội kinh tế mà các quốc gia Thái Bình Dương có thể theo đuổi nhằm tăng cường kinh tế trong những thập kỷ tới. Đứng đầu trong những cơ hội này là du lịch, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc, nơi số khách du lịch sẽ tăng thêm 1 triệu người mỗi năm vào năm 2040, tạo ra một khoản thu nhập tới 1,6 tỷ USD và thêm 110.000 việc làm. WB cũng khuyến cáo cần cải thiện việc sử dụng Internet để giúp xóa nhòa khoảng cách về địa lý vốn gây cản trở cho sự tăng trưởng kinh tế của các đảo quốc này. Ngoài ra, cần mở rộng các cơ hội việc làm như mở các trung tâm giới thiệu...
Theo báo cáo của WB, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các đảo quốc này đã hiển hiện với sự xói mòn vùng duyên hải, đất canh tác nhiễm mặn, nguồn nước uống nhiễm mặn, những cơn mưa không thể dự báo lượng nước gây ra tình trạng hạn hán và lũ lụt ngày càng nhiều. Những trận siêu bão lên tới cấp 5 dự báo ngày càng diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho nguồn tài nguyên kinh tế vốn hạn chế của khu vực. Báo cáo cũng nhắc lại hậu quả của cơn bão Pam đổ bộ vào Vanuatu năm 2015, đã gây thiệt hại tương đương 64% GDP của đảo quốc này./.
Dương Thái