Chuyển mạnh từ công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí

Thứ sáu, 22/12/2023 14:33
(ThanhtraVietNam) - Tập trung xử lí nghiêm những sai phạm liên quan việc không chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin đối với những vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”; việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội.

Tập trung xử lí nghiêm những sai phạm thông tin ở những vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”

Năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh công tác chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra, xử lí sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục, bám sát Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/06/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lí, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.

Tập trung xử lí nghiêm những sai phạm liên quan việc không chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin đối với những vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”; việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội.

Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 15/12/2023, trong lĩnh vực báo chí, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành 03 cuộc thanh tra, 07 cuộc kiểm tra, tổ chức nhiều cuộc làm việc để xem xét, xử lí.

leftcenterrightdel
Xử lí vi phạm đối với lĩnh vực báo chí và mạng xã hôị. Đồ họa: BTC HNBCTQ

Kết quả, xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp với tổng số tiền là 2 tỉ 083,5 đồng, trong đó, có 02 cơ quan báo chí bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí trong thời hạn 03 tháng vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng; thu hồi thẻ nhà báo 09 trường hợp do có sai phạm.

Các hành vi vi phạm chủ yếu: Thông tin sai sự thật là 25 trường hợp với số tiền 296 triệu đồng; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích là 14 trường hợp với số tiền 563 triệu đồng; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép là 12 trường hợp với số tiền 266 triệu đồng,… 02 Tạp chí bị đình bản 03 tháng vì vi phạm về tôn chỉ, mục đích, tạp chí hoạt động như báo gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. 03 trường hợp do bị kỉ luật cảnh cáo trở lên, 05 trường hợp do bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, 01 trường hợp do xác định có sử dụng bằng tốt nghiệp đại học không hợp pháp.

Tăng cường kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản

Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra trách nhiệm của cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí trực thuộc và lần đầu tiên tiến hành xử phạt cơ quan chủ quản báo chí (là Viện Hỗ trợ Pháp lí và Bảo vệ môi trường) với tổng số tiền 335 triệu đồng; tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động của 02 tạp chí do tồn tại nhiều sai phạm, không bảo đảm điều kiện hoạt động.  

Tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, “báo hoá” mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí dần được khắc phục. Tiếp tục tiến hành công khai các tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, “báo hoá” mạng xã hội, cập nhật thường xuyên tôn chỉ, mục đích các cơ quan báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cùng tham gia giám sát.

Đồng thời, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chỉ đạo, quản lí báo chí ở Trung ương và địa phương, năm 2023, công tác chấn chỉnh, xử lí “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, “báo hoá” mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí đã có kết quả chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hoá”, hoạt động không đúng quy định pháp luật để giám sát, tập trung chấn chỉnh, xử lí nghiêm. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có các văn bản gửi cơ quan, đơn vị để yêu cầu tăng cường quản lí, chấn chỉnh tình trạng “báo hoá” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích, biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh tổ chức, cá nhân, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhận biết và không vi phạm các quy định của pháp luật, đặc biệt quy định liên quan đến “báo hoá”, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.

Kết quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu 131 cơ quan chủ quản báo chí báo cáo tình hình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí nhằm rà soát, đánh giá và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan chủ quản báo chí, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí; Công văn số 1627/TTra-BCXB ngày 30/11/2022 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chấn chỉnh 102 tạp chí trong việc thể hiện thông tin trên mẫu trình bày tên gọi của tạp chí không đúng quy định.

leftcenterrightdel
 Đồ thị về tình trạng đơn thư và số cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh về lĩnh vực báo chí. Đồ họa: BTC HNBCTQ

Xử lí quyết liệt với hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích

Lực lượng thanh tra của ngành Thông tin và Truyền thông đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh đối với 16 tạp chí, qua đó xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền 733,75 triệu đồng; xử phạt 03 Tổng biên tập tạp chí do đã thực hiện hành vi cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí và yêu cầu cung cấp thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; nhắc nhở, chấn chỉnh đối với 08 cơ quan tạp chí.

Đồng thời, tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh đối với 19 tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, qua đó xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền 323 triệu đồng; thu hồi 16 giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của cơ quan báo chí; Chuyển các Sở Thông tin và Truyền thông xử lí 54 trường hợp xem xét xử lí theo thẩm quyền.

Tình trạng đơn thư, cuộc gọi đến đường dây nóng để khiếu nại, phản ánh về hoạt động báo chí giảm mạnh. Sự tham gia, vào cuộc của Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương trong công tác chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lí vi phạm, giải quyết đơn thư Ban Tuyên giáo các địa phương đã tham mưu cho cấp uỷ địa phương triển khai các văn bản của Đảng về báo chí, kể cả trong công tác chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin và kiến nghị xem xét xử lí các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm trong hoạt động báo chí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, giảm tải cho các cơ quan Trung ương.

Trong khi đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 133 cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với tổng số tiền là 1.858.350.000 đồng.

Nhận thấy việc xử lí vi phạm đối với trang thông tin điện tử, mạng xã hội được các Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc tích cực theo thẩm quyền. Tại địa phương, lực lượng thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp nhận và xử lí 731 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động báo chí, thông tin trên mạng, trong đó: 233 đơn thư liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí; 508 đơn thư liên quan đến lĩnh vực thông tin trên mạng. Hội Nhà báo các địa phương cũng tăng cường nắm bắt thông tin; xử lí và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lí những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương…

Có thể thấy công tác quản lí nhà nước trong lĩnh vực, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm của lực lượng thanh tra từ Trung ương đến các địa phương đã được tăng cường, những vi phạm và biểu hiện vi phạm đã kịp thời được xử lý và chấn chỉnh. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả trong quản lí lĩnh vực báo chí được nâng lên./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra