Ngày 28/12/2022, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Ngọc Liêm đã ký Thông báo Kết luận thanh tra số 2303/TB-TTCP Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; thời kỳ từ ngày 01/01/2014 – 31/12/2018.
Nội dung Thanh tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT): Về sách giáo khoa (việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa); Việc quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Dấu hiệu “lợi ích nhóm”
Kết luận này đã nêu ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm tại Bộ GDĐT, cùng một số đơn vị trực thuộc và 05 Bộ, 12 tỉnh có liên quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 02 nội dung sau sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ nhất, là nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập (SBT), sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GDĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Theo đó, ngày 11/04/2013, Bộ GDĐT ban hành Văn bản số 2372/BGDĐT – GDTrH về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa (SGK), được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại SBT, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành SBT).
Như vậy, việc nêu SBT được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại Văn bản số 2372/BGDĐT – GDTrH là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GDĐT. Từ đó, dẫn đến những nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh cả xã hội, khiến họ hiểu rằng SBT được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm với SGK.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dấu hiệu “lợi ích nhóm” được thể hiện trong việc in ấn, phát hành SBT giữa Bộ GDĐT – là cơ quan quản lý nhà nước với NXB – là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành SBT.
Thứ hai, là nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Thanh tra Chính phủ xác định những điểm bất thường như sau:
Việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in), làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Từ trước ngày 22/08/2017, NXB chưa ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu in SGK, cung cấp vật tư, giấy in.., để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu.
NXB chưa bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành SGK.
NXB sử dụng giấy in định lượng thấp hơn so với định lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8694:2011.
Từ trước năm 2014 và trong giai đoạn 2014 – 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có 2 – 3 đơn vị được NXB lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2014 – 2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB. Kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cho NXB (1/3 tổng lượng giấy in đã cung cấp) cho thấy giá giấy in Công ty bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy Công tu nhập khẩu trực tiếp.
|
|
Bộ giáo dục và Đào tạo - Ảnh: Việt Anh |
Trước kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Kiến nghị, xử lý khác
Bên cạnh đó, qua quá trình thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã đưa ra một số kiến nghị, xử lý về các vấn đề sau:
Thứ nhất, chấn chỉnh công tác quản lý của: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam, 09 đơn vị trực thuộc Bộ; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Đối với 05 Bộ (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông); Đối với Ủy ban Nhân dân 12 tỉnh.
Thứ hai, xử lý về kinh tế đối với: Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT.
Do thời kỳ thanh tra từ 2014 – 2018, trong khi đó SGK được NXB này thực hiện đăng ký giá từ năm 2011 nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền gia đình học sinh (là khách hàng) đã mua cao hơn nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay. Vì thế, NXB này phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua SGK cao hơn đó từ năm 2011 đến nay, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa từ năm 2011.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm trừ tổng dự toán, thu hồi và giảm trừ giá trị thanh toán, quyết toán tổng số tiền trên 9,2 tỷ đồng.
Thứ ba, xử lý hành chính đối với: Bộ GDĐT; 05 Bộ (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông); Đối với UBND 12 tỉnh.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ); tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với: Đơn vị, Người đứng đầu, cấp phó của Người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm thuộc trách nhiệm của đơn vị đã nêu trong Kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra./.