Kết quả thanh tra việc cung cấp, đầu tư, sử dụng, quản lý đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh truyền hình tại Nghệ An

Thứ sáu, 25/11/2022 22:49
(ThanhtraVietNam) - Qua quá trình thanh tra, 33/35 đơn vị được thanh tra đã triển khai cơ bản tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về hoạt động của địa phương; tiếp âm các nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, 35/35 đơn vị được thanh tra đã thực hiện nhiệm vụ truyền đạt các thông tin khẩn cấp về những vấn đề quan trọng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 456/460 đơn vị cấp xã có đài truyền thanh cơ sở, trong đó: 68 xã đầu tư đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT); 392 xã đầu tư đài truyền thanh không dây và có dây. Với hệ thống hạ tầng, máy móc được đầu tư và nâng cấp, lực lượng đài truyền thanh thực sự đã và đang và kênh thông tin quan trọng từ cơ sở.

Vai trò của truyền thanh cơ sở trong tuyên truyền

Trong thời buổi phát triển mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, khoa học công nghệ nhưng hệ thống đài truyền thanh cơ sở (TTCS) huyện vẫn giữ một vị trí không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở với lợi thế kịp thời, tiện ích, ít tốn kém. Đây là kênh thông tin quan trọng để truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuống tận thôn, buôn, tổ dân phố, kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng người dân mà hiệu quả của việc tuyên truyền thực hiện xây dựng nông thôn mới qua hệ thống TTCS là một minh chứng tiêu biểu. Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của hệ thống TTCS với đời sống kinh tế - xã hội nói chung cũng như trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nói riêng trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm phát triển hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn.

Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An, theo Đề án 265, giai đoạn 2013-2020 toàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp được 98 đài TTCS (100% đài TTCS được đầu tư giai đoạn này sử dụng công nghệ truyền thanh không dây FM) từ ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và ngân sách tỉnh. Trong đó: Đầu tư, nâng cấp từ nguồn CTMTQG đưa thông tin về cơ sở (giai đoạn 2013-2015) là 16 đài, với tổng kinh phí 4.536 triệu đồng. Đầu tư, nâng cấp từ nguồn CTMTQG Nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020) là 7.400 triệu đồng. Đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh (vốn đầu tư công, năm 2014,2015) là 2.564 triệu đồng. Nâng cấp từ nguồn ngân sách tỉnh bố trí hàng năm cho Sở Thông tin và Truyền thông 5.200 triệu đồng.

Ngoài ra, đầu tư nâng cấp từ ngân sách huyện, xã trên toàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 với 40 tỷ đồng, chi phí đầu tư nâng cấp mỗi xã từ 50-400 triệu đồng. Trong năm 2020, Quỹ Thiện tâm (thuộc Tập đoàn VinGroup) hỗ trợ xây dựng 02 đài TTCS ứng dụng CNTT-VT cho 02 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện 30a, gồm xã Cắm Muộn và xã Tri Lễ thuộc huyện Quế Phong.

Với sự quan tâm của tỉnh, các nguồn kinh phí hỗ trợ và sự quyết tâm trong việc đồng bộ hóa hệ thống đài TTCS của cơ quan tham mưu, hệ thống đài TTCS đã từng bước được hiện đại hóa, phục vụ tối đa nhu cầu và phát huy được hiệu quả và ưu điểm vượt trội của đài nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế và nhiều cụm đài vẫn đang hoạt động trong tình trạng “cầm chừng”.

leftcenterrightdel
Hoạt động thanh tra của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An 

35/35 đơn vị được thanh tra đã truyền đạt các thông tin khẩn cấp về những vấn đề quan trọng

Theo thống kê năm 2021, có 79 xã chưa có đài hoặc có nhưng hư hỏng nặng không thể sử dụng được (28 xã chưa có, 51 xã có nhưng hư hỏng không sử dụng được), chiếm 17,17% tổng số xã trên toàn tỉnh. Một số đài TTCS sử dụng công nghệ lạc hậu, công nghệ tăng âm đấu với các loa nằm rải rác trên địa bàn. Nhiều cụm đã bị xuống cấp cần tu sửa, bảo dưỡng. Các thiết bị máy phát, máy thu, tăng âm… tại nhiều đài TTCS, đặc biệt là ở vùng miền núi, được lắp đặt từ nhiều năm trước, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nhiều đài được đầu tư từ trước năm 2007, thậm chí có những đài được đầu tư từ những năm 1995, 1997 của các hãng, như: Transmiter, Tesco, Viện Vật lý…

Trong tháng 6 năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An đã tổ chức thanh tra các đối tượng, bao gồm 30 xã thuộc các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thị xã Hoàng Mai; 05 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ; 05 Doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt thiết bị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cung cấp, đầu tư, sử dụng, quản lý đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh truyền hình.

Qua quá trình thanh tra, 33/35 đơn vị được thanh tra đã triển khai cơ bản tốt công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông tin về hoạt động của địa phương; tiếp âm các nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt, 35/35 đơn vị được thanh tra đã thực hiện nhiệm vụ truyền đạt các thông tin khẩn cấp về những vấn đề quan trọng.

Bên cạnh những ưu điểm, nhiều đơn vị còn tồn tại một số hạn chế như: Lắp đặt thiếu thiết bị, thiết bị không đúng, bị hư hỏng; doanh nghiệp cung cấp, lắp đặt thiết bị đài TTCS không kịp thời bảo trì, sửa chữa; một số xã, phường, thị trấn không có cán bộ bán chuyên trách để vận hành, sử dụng đài truyền thanh; 30/30 xã, phường, thị trấn gặp khó khăn trong chi trả chế độ cho cán bộ kiêm nhiệm công tác vận hành, sử dụng đài truyền thanh… khiến việc tuyên truyền thông tin bị hạn chế.

Nguyên nhân của những khuyết điểm trên được cho là công tác thẩm định hệ thống đài truyền thanh còn bất cập. Hiện tại, việc thẩm định được giao cho phòng Kinh tế hạ tầng hoặc phòng Quản lý đô thị thực hiện, không thể thẩm định về chất lượng, chủng loại, sự phù hợp của thiết bị với đặc điểm khí hậu, địa hình của từng xã, phường. Chưa có quy định cụ thể về định mức, hệ thống thiết bị cần đầu tư của một đài TTCS dẫn đến hiện tượng đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả. Kinh phí đầu tư, duy tu bảo dưỡng cho hệ thống đài truyền thanh còn hạn chế. Chủ đầu tư là UBND các xã, phường không đủ năng lực để giám sát thi công lắp đặt thiết bị truyền thanh, đơn vị gặp khó khăn trong bố trí nhân sự phù hợp.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Từ thực tế đó, để từng bước hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh nhằm đổi mới phương thức quản lý, vận hành, cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản như: Ban hành định mức đầu tư cụ thể cho hệ thống đài TTCS; Ưu tiên ngân sách trong đầu tư hệ thống TTCS; thống nhất đầu mối có chuyên môn để thực hiện công tác thẩm định đầu tư hệ thống đài TTCS; đầu tư hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT khi thực hiện việc đầu tư mới; bố trí cán bộ bán chuyên trách có kinh nghiệm và kiến thức để thực hiện việc vận hành hệ thống đài TTCS; tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng biên tập cho cán bộ tham mưu công tác tuyên truyền của các địa phương; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ làm công tác vận hành đài TTCS.

Có thể nói, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thì hiệu quả hoạt động của hệ thống TTCS sẽ được khẳng định trong thực tiễn đời sống, góp phần tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.  

Với việc phát huy tính hiệu quả, đổi mới về nội dung thông tin tuyên truyền của chính quyền đến Nhân dân, tin rằng trong thời gian tới hệ thống TTCS sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội./.

Hồ Quang Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở TT&TT Nghệ An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra