Thanh tra tỉnh Đồng Nai:

Khảo sát xây dựng đề cương phải đầy đủ để xác định trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra

Thứ sáu, 02/02/2024 12:59
(ThanhtraVietNam) – Đó là những giải pháp cụ thể mà Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đồng Nai đề ra trong việc thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2024 đối với các đoàn của Thanh tra tỉnh cũng như Thanh tra các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024, Thanh tra tỉnh yêu cầu Thanh tra các sở, ngành, huyện, thành phố thuộc tỉnh, triển khai thực hiện các cuộc thanh tra đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên; trong đó, tập trung thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực như: Thanh tra trách nhiệm đối với Thủ trưởng các sở, ngành và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng. Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được cấp sở, ngành và UBND cấp huyện đã kết luận nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật.

Về giải pháp cụ thể, Thanh tra tỉnh yêu cầu, trên cơ sở xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra của các sở, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, để không xảy ra trùng lắp, chồng chéo.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra. Cần nắm rõ thông tin về nội dung thanh tra; tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của cuộc thanh tra; khảo sát xây dựng đề cương phải đầy đủ từ đó có thể xác định được trọng tâm, trọng điểm của cuộc thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải lấy pháp luật làm căn cứ để đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời phải có quan điểm lịch sử cụ thể, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương mà đánh giá đúng mức tính hợp lý trong hoạt động của đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra tỉnh cũng lưu ý, kết luận thanh tra, kiểm tra phải thật cụ thể, chính xác, bảo đảm cả tính hợp pháp, hợp lý và có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, trưởng đoàn thanh tra cần chủ động bao quát, nghiệm thu kết quả đối với thành viên Đoàn thanh tra ngay trong thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra cần dành nhiều thời gian nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra trước khi kết thúc thanh tra. Từ đó tạo ý kiến thống nhất, đồng thuận giữa các thành viên Đoàn thanh tra, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, kéo dài thời gian thanh tra và thời gian dự thảo kết luận thanh tra.

Theo đánh giá của Thanh tra tỉnh, trong năm 2023, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chậm nộp, trả tiền vào ngân sách nhà nước theo kết luận, kiến nghị, quyết định thu hồi tiền của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, công tác giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra vẫn còn hạn chế như việc theo dõi, đôn đốc xử lý các sai phạm theo kết luận, kiến nghị thanh tra vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm; việc đôn đốc, xử lý các thiếu sót, sai phạm còn chậm thời gian quy định.

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, trong năm 2023, ngành Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã triển khai 94 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực. Trong đó, có 68 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 26 cuộc thanh tra đột xuất. Trong kỳ, đã ban hành 66 kết luận thanh tra tại 237 đơn vị. Qua thanh tra phát hiện vi phạm số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi ngân sách hơn 188 triệu đồng; đồng thời, kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm 26 tổ chức, 62 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Ngọc Thắng tặng giấy khen cho tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2023 (Ảnh: TT) 

Trong kỳ, ngành Thanh tra đã theo dõi, đôn đốc việc thực hiện 87 kết luận thanh tra; trong đó có 51 kết luận được kiểm tra trực tiếp. Hiện đã hoàn thành 55 kết luận, tiếp tục theo dõi 32 kết luận chưa hoàn thành. Kết quả thực hiện đã thu hồi về ngân sách nhà nước 15.821,37 triệu đồng/35.372,57 triệu đồng, tiếp tục theo dõi đôn đốc thu hồi số tiền 19.551,20 triệu đồng. Đồng thời, xử lý hành chính 23 tổ chức/42 tổ chức, 49 cá nhân/116 cá nhân. Tiếp tục theo dõi việc xử lý hành chính 19 tổ chức, 67 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 09 vụ việc.

Về công tác thanh tra chuyên ngành, trong kỳ, thực hiện 1.369 cuộc, trong đó 589 cuộc thường xuyên, 670 cuộc kế hoạch, 110 cuộc đột xuất. Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu bao gồm: Công thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và đào tạo, Kế hoạch và đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa thể thao và du lịch, Y tế. Đến nay, đã ban hành kết luận 511 cuộc, phát hiện 1.275 tổ chức và cá nhân vi phạm. Qua thanh tra đã ban hành 1.339 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 450 tổ chức và 889 cá nhân với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 29.996,77 triệu đồng.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra