Hưng Yên:

Kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn

Thứ năm, 16/06/2022 10:50
(ThanhtraVietNam) - Kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đồng thời hoàn thiện chế độ, chính sách về tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức… là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tham nhũng tại tỉnh Hưng Yên.

Phối hợp hiệu quả trong việc xử lý các cụ việc có dấu hiệu tội phạm

Thanh tra tỉnh Hưng yên đánh giá, hiện nay hành lang pháp lý, các văn bản pháp luật đã quy định khá đầy đủ về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giúp cho các cơ quan này thực hiện phối hợp nhằm tạo sự thống nhất, đúng trình tự, thủ tục và xử lý có hiệu quả những vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố. Các cơ chế phối hợp đã ràng buộc trách nhiệm của mỗi cơ quan, việc kiểm sát hoạt động tư pháp của viện kiểm sát cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện, cũng cố hồ sơ, chứng cứ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quá trình tiến hành thanh tra .

Giai đoạn 2011 - 2021, ngành Thanh tra tỉnh Hưng Yên tiến hành 2.728 cuộc thanh tra hành chính và 1.744 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã kiến nghị xử lý về mặt kinh tế với số tiền 480.738 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 15.203 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 77 tổ chức, 69 cá nhân; trên 9 ha đất; có 1 vụ việc kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý với 1 đối tượng.

Đồng thời, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp nhận 4.197 đơn tố cáo và 2.118 đơn khiếu nại; 13.949 đơn kiến nghị, phản ánh. Tổng số vụ việc khiếu bại, tố cáo thuộc thẩm quyền đã tiếp nhận là 460 vụ, đã giải quyết xong 450 vụ. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước số tiền 515 triệu đồng; 24.030m2 đất; kiến nghị trả lại cho công dân 12 triệu đồng, đồng thời kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc với 3 đối tượng.

Cũng theo Thanh tra tỉnh Hưng yên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế như: các vụ án tham nhũng, chức vụ thường có tính chất phức tạp, đối tượng có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật; có chức vụ và quyền lực chính trị đặc biệt là có mối quan hệ xã hội; thủ đoạn phạm tội tinh vi… nên việc xử lý đối những vụ việc này gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, các vụ việc có liên quan tới các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn do quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền về xác định mức độ vi phạm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong một số vụ việc còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tiến độ, chất lượng giải quyết vụ việc còn hạn chế.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm soát quyền lực đi đôi với cải thiện chế độ, chính sách về tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức

Ngoài ra, bản chất của mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan là mối quan hệ hành chính, không phải là mối quan hệ tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, nó phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của thủ trưởng cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Với thực tiễn như vậy, giải pháp mà Thanh tra tỉnh Hưng Yên đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả việc phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm là tiếp tục tập trung phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tham nhũng, nhất là thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Trong đó, chú trọng xử lý các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa về nhận thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN) trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhận thức yếu kém, lệch lạc của một bộ phận cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác PCTN, tiêu cực.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục bằng được sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ. Để làm được điều này, phải thiết lập được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, bịt kín các kẽ hở để không thể tham nhũng, ngăn ngừa việc chuyển dịch tài sản bất hợp pháp có được do tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế - xã hội, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường và nâng cao hiệu quả PCTN, tiêu cực.

Ngoài ra, cần hoàn thiện chế độ, chính sách về tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây được xem là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi cán bộ, công chức được đảm bảo cuộc sống sẽ yên tâm cống hiến hết năng lực, sở trường, ngược lại, khi cuộc sống không được đảm bảo thì sẽ có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.


Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra