Kịp thời khắc phục tình trạng Trưởng đoàn thanh tra có vi phạm gây ảnh hưởng đến chậm báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; nhất là đối với Trưởng đoàn thanh tra đã có Thông báo thời gian nghỉ hưu mà vẫn chưa hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra, không bàn giao hồ sơ, tài liệu thanh tra theo quy định…
Theo đó, Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành nghị quyết để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả trong công tác thanh tra. Nghị quyết 122/NQ-BCSĐ ngày 01/3/2024 đề ra giải pháp và xử lý trách nhiệm các vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ cuộc thanh tra.
Giải pháp khắc phục các vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ cuộc thanh tra
Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nêu, đối với trường hợp Trưởng đoàn, Thành viên đoàn thanh tra (Phó Trưởng đoàn thanh tra nếu có) có vi phạm gây ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ cuộc thanh tra theo quy định của pháp luật; nhất là trường hợp Trưởng đoàn thanh tra đã có Thông báo và Quyết định nghỉ hưu mà vẫn chưa hoàn thành Báo cáo kết quả thanh tra, chưa hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra, không bàn giao hồ sơ, tài liệu thanh tra theo quy định pháp luật; cần có kế hoạch và thực hiện ngay các giải pháp hữu hiệu để khắc phục những vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Đối với trường hợp Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ theo quy định pháp luật thì: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra tổ chức họp thành phần gồm: Cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, lãnh đạo đơn vị thẩm định nghe Đoàn thanh tra báo cáo và ý kiến của đơn vị thẩm định để trao đổi, bàn bạc, thống nhất phương án xử lý, sớm trình Người ra quyết định thanh tra ban hành Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật.
Trường hợp vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung của Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra thì: Người ra quyết định thanh tra chủ trì tổ chức họp thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng và lãnh đạo đơn vị thẩm định (trường hợp cần thiết mời đại diện lãnh đạo Bộ, ngành có liên quan để tham gia ý kiến về chuyên môn; đối tượng thanh tra để giải trình, cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu) để nghe Đoàn thanh tra và đơn vị thẩm định báo cáo, các thành phần dự họp phân tích, đánh giá, làm rõ việc áp dụng pháp luật đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để thống nhất đảm bảo đúng quy định của pháp luật và bối cảnh, tình hình thực tế.
|
|
Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A |
Sau bước này, nếu vẫn còn ý kiến khác nhau về nội dung liên quan đến dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì: Người ra quyết định thanh tra chủ trì tổ chức họp thành phần gồm: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra và lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, Thủ trưởng và lãnh đạo đơn vị thẩm định; mời đại diện Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Trường hợp cần thiết mời đối tượng thanh tra để giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu và đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành có liên quan) để nghe Đoàn thanh tra và đơn vị thẩm định báo cáo, các thành phần dự họp phân tích, đánh giá, làm rõ việc áp dụng pháp luật và các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có đủ điều kiện hay không để chuyển thông tin hoặc vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, nếu sau 2 bước, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung của dự thảo Kết luận thanh tra, trên cơ sở đề xuất với Ban cán sự đảng của Người ra quyết định thanh tra là Ủy viên Ban cán sự đảng; Ban cán sự đảng tổ chức họp bàn thống nhất, cho chủ trương để Người ra quyết định thanh tra lãnh đạo, chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, Thủ trưởng đơn vị thẩm định và các đơn vị, cá nhân có liên quan sớm tham mưu để ký ban hành được Kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật, Nghị quyết 122/NQ-BCSĐ nhấn mạnh.
Cũng theo Nghị quyết, đối với Trưởng đoàn thanh tra đã có Thông báo và Quyết định nghỉ hưu thì phải thống nhất giải pháp khắc phục và trình Người ra quyết định thanh tra ký ban hành được Kết luận thanh tra, bàn giao hồ sơ, tài liệu thanh tra theo quy định xong trước ngày nghỉ hưu.
Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ trong công tác thanh tra
Căn cứ Quy định số 124-QĐ/TW ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra,
- kiểm toán; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng, đảng viên vi phạm; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan; những trường hợp có vi phạm trong công tác thanh tra phải bị xem xét, xử lý như sau:
Đối với Trưởng đoàn thanh tra, nếu có vi phạm sẽ bị xem xét, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm thực hiện cuộc thanh tra bị chậm tiến độ theo quy định pháp luật và xem xét, xử lý theo quy định. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho phù hợp.
Trường hợp Trưởng đoàn thanh tra là Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, là đảng viên sẽ xem xét trách nhiệm có tình tiết tăng nặng do chịu trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, người đứng đầu cấp ủy (nếu có), trách nhiệm nêu gương, chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trước pháp luật và Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đối với việc điều hành hoạt động của Đoàn thanh tra đó.
Trường hợp Trưởng đoàn thanh tra đã có Thông báo và Quyết định nghỉ hưu, nhưng trước 15 ngày nghỉ hưu vẫn chưa khắc phục triệt để các vi phạm về tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra thì sẽ xem xét, xử lý kỷ luật trước ngày nghỉ hưu.
Đối với Thành viên đoàn thanh tra (Phó Trưởng đoàn thanh tra nếu có), sẽ bị xem xét trách nhiệm gắn với trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra và đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm thực hiện cuộc thanh tra bị chậm tiến độ theo quy định pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho phù hợp.
Đối với trường hợp Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thành viên đoàn thanh tra (Phó Trưởng đoàn thanh tra nếu có): (1). Đã ký Biên bản làm việc hoặc Biên bản kiểm tra, xác minh hoặc đã ký Báo cáo kết quả thanh tra có nội dung nhận xét, đánh giá, kiến nghị chưa đủ chứng cứ, hồ sơ, tài liệu hoặc chưa đủ căn cứ quy định pháp luật mặc dù đã có ý kiến có cơ sở pháp luật của các thành viên Đoàn thanh tra và đơn vị thẩm định nhưng vẫn cố tình giữ quan điểm cá nhân, bảo thủ, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc thanh tra; (2). Trong quá trình trình Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo Kết luận thanh tra có nội dung khi cơ bản từ người ra Quyết định thanh tra, đơn vị thẩm định và các chủ thể có liên quan đều đã thống nhất nhưng có cá nhân (thậm chí là Trưởng đoàn thanh tra) không tiếp thu ý kiến có căn cứ pháp luật, cố tình giữ quan điểm cá nhân, bảo thủ, không đủ căn cứ pháp luật gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc thanh tra; (3). Trong quá trình hoạt động thanh tra có vi phạm khác theo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc thanh tra.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xem xét điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho phù hợp, Nghị quyết 122/NQ-BCSĐ ngày 01/3/2024 của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.