Thanh tra trách nhiệm tại huyện Mê Linh, Hà Nội:

Phát hiện nhiều tồn tại trong công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách

Thứ hai, 06/11/2023 08:40
(ThanhtraVietNam) - Kết luận Thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quản lý ngân sách trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2021 chỉ ra không ít tồn tại, thiếu sót trong quản lý, điều hành ngân sách tại UBND huyện, nhất là trong công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách...

Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch huyện, phát hiện nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài chưa thực hiện xong

Cụ thể, Kết luận số 4775/KL-TTTP(PGS) ban hành ngày 27/9/2023 của Thanh tra Thành phố Hà Nội (TP) nêu rõ: Kết quả kiểm tra việc quản lý, điều hành ngân sách năm 2019, 2020, UBND huyện đã điều hành và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã thị trấn quản lý thu chi ngân sách cơ bản theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết số 13/2016/NQ- HĐND ngày 05/12/2016 của HĐND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TP, của Sở Tài chính về xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách và công khai tài chính.

Tuy nhiên, còn một số thiếu sót, tồn tại như: Năm 2019 và năm 2020, UBND huyện phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện tại một số lĩnh vực còn chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05/12/2016 của HĐND TP. Cụ thể, đối với lĩnh vực chi mua sắm phương tiện, tài sản cố định và sửa chữa lớn tài sản cố định: Năm 2019, UBND huyện giao dự toán cho lĩnh vực chi mua sắm phương tiện, tài sản cố định và sửa chữa lớn tài sản cố định là 5.681 triệu đồng (giảm 9.598 triệu đồng). Năm 2020, UBND huyện giao dự toán cho lĩnh vực chi mua sắm phương tiện, tài sản cố định và sửa chữa lớn tài sản cố định là 7.339,5 triệu (giảm 8.053 triệu đồng). Đối với lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, năm 2019, UBND huyện giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế là 29.328,7 triệu đồng (giảm 21.602 triệu đồng). Năm 2020, UBND huyện giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế là 29.036,3 triệu đồng (giảm 22.272 triệu đồng). Đối với chi khác ngân sách, năm 2019, UBND huyện giao dự toán chi khác ngân sách là 6.800 triệu đồng (giảm 1.069 triệu đồng). Năm 2020, UBND huyện giao dự toán chi khác ngân sách là 6.404,7 triệu đồng (giảm 1.522,4 triệu đồng).

leftcenterrightdel
 Một góc khu vực trung tâm huyện Mê Linh. Ảnh: melinh.hanoi.gov.vn

Việc phân bố, giao dự toán chi ngân sách hàng năm của huyện đối với nguồn chi khác chưa cụ thể, chi tiết cho các đối tượng sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP. Đến 31/12 hàng năm, UBND huyện chưa hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trong một số lĩnh vực: sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp kinh tế, mua sắm sửa chữa lớn, chi khác ngân sách…

Thanh tra TP tiến hành kiểm tra hồ sơ, sổ sách kế toán của 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Mê Linh để kiểm tra việc kê khai và nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp thì phát hiện: Có 03 doanh nghiệp có công văn đề nghị được hoãn thanh tra do kế toán doanh nghiệp đã nghỉ việc, bỏ việc chưa hoặc không bàn giao lại sổ sách, chúng từ kế toán nên doanh nghiệp không thể tập hợp, cung cấp theo tiến độ Đoàn thanh tra yêu cầu.

Kiểm tra 10 doanh nghiệp còn lại, Đoàn thanh tra phát hiện một số dạng sai phạm: Thanh toán bằng tiền mặt đối với khoản chi phí trên 20 triệu đồng; thanh toán tiền lương, ăn ca, hỗ trợ tiếp khách, hỗ trợ điện thoại không đúng quy định, không có hoá đơn, chứng từ, vượt định mức theo Quy chế tài chính tại một số đơn vị… Thanh tra TP đã chuyển các Biên bản làm việc giữa Đoàn thanh tra, Chi cục thuế khu vực Mê Linh - Sóc Sơn với 10 đơn vị để Chi cục thuế tiến hành xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra tại 17 đơn vị dự toán gồm: Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Phòng Kinh tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao; UBND các xã, thị trấn: Quang Minh, Thạch Đà, Tự Lập, Hoàng Kim, Tiến Thắng; các trường THCS: Văn Khê, Tiền Phong, Mê Linh, Phạm Hồng Thái; các trường Tiểu học: Quang Minh B, Liên Mạc A, Mê Linh cho thấy còn một số tồn tại.

Theo đó, trong công tác lập dự toán: Công tác lập dự toán của đơn vị và giao dự toán của UBND huyện còn chưa phù hợp và chưa sát thực tế. Phòng GD&ĐT: năm 2019, kinh phí hủy chiếm 18,4 % dự toán sau điều chỉnh; năm 2020, số lần điều chỉnh bổ sung 05 lần, tỷ lệ bổ sung dự toán 11,18% kinh phí giao đầu năm; kinh phí hủy chiếm 22,7% dự toán sau điều chỉnh; Phòng Kinh tế: năm 2020, kinh phí huỷ chiếm 17% dự toán giao sau điều chỉnh; Phòng TNMT năm 2019, số lần điều chỉnh bổ sung là 03 lần, tỷ lệ bổ sung dự toán là 33,7% kinh phí giao đầu năm; năm 2020, số lần điều chỉnh bổ sung là 04 lần; tỷ lệ bổ sung dự toán là 35, 39% kinh phí giao đầu năm; Văn phòng HĐND-UBND huyện: năm 2019, tỷ lệ bổ sung dự toán chiếm 38,72% kinh phí giao đầu năm; hủy dự toán kinh phí lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm hành chính huyện số tiền 121.686.000 đồng, tỷ lệ 100% dự toán giao bổ sung; năm 2020, tỷ lệ bổ sung dự toán là 25% kinh phí giao đầu năm.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra tồn tại trong việc chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách và quản lý các khoản thu ngoài ngân sách. Tại Phòng TNMT, đến ngày 01/7/2020, đơn vị thu phí bảo vệ môi trường là 7.500.000 đồng, đã trích 50% số thu để sử dụng tại đơn vị với số tiền là 3.750.000 đồng, trái với điểm a, khoản 2, điều 9 Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ (trích vượt 25% tương ứng số tiền là 1.875.000 đồng). Ngày 11/9/2023, đơn vị đã nộp 1.875.000 đồng vào ngân sách nhà nước để khắc phục tồn tại trên.

Văn phòng HĐND-UBND huyện: Chưa lập sổ chi tiết theo dõi phát sinh thu hàng ngày đối với từng loại phí, lệ phí. UBND xã Thạch Đà: tại Phiếu rút dự toán ngân sách bằng chuyển khoản số 82 ngày 07/4/2020, số tiền 14.950.000 đồng để thanh toán trả nợ việc mua máy Scan từ năm 2019 (không có trong dự toán ngân sách năm 2020), là vi phạm Khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Như vậy, từ Kết luận số 4775/KL-TTTP(PGS), Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý ngân sách trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2021, trong đó có công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh những mặt chưa làm được của tập thể, cá nhân liên quan, giúp công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước tại địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật./.

Sơn Tây
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra