Quảng Nam:

Tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành Thanh tra

Thứ tư, 03/01/2024 10:00
(ThanhtraVietNam) - Như chúng ta đã biết, bảo vệ bí mật nhà nước vừa là nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đồng thời cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan. Thời gian qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam luôn đề cao công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong hoạt động thanh tra. Theo đó, các nội dung thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong thời gian chưa công khai phải thực hiện bảo mật đúng quy định, nếu bị lộ hoặc bị mất sẽ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cá nhân, các cơ quan, tổ chức và gây nguy hại đến sự tồn tại và phát triển của đất nước. Chính vì tầm quan trọng của công tác này nên Nhà nước liên tục ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện, trong đó có nhiều nội dung cụ thể về hoạt động của ngành Thanh tra.
leftcenterrightdel
Trụ sở làm việc của Thanh tra tỉnh Quảng Nam 

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh năm 2000 về Bảo vệ bí mật Nhà nước, ngày 25/6/2004, sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra nhà nước, nay là Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban ban hành Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA (A11) quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thanh tra và ngày 27/01/2015, ban hành mới Thông tư số 08/2015/TT-BCA (thay thế Quyết định số 588/2004/QĐ-BCA (A11). Căn cứ Điều 4, Điều 7 Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 thì độ Mật là một trong ba mức độ (tối mật, tuyệt mật và độ mật) thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải được bảo vệ theo quy định. Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-TTCP ngày 09/7/2015 quy định chi tiết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành Thanh tra.

Đến ngày 05/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 774/QĐTTg danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và văn bản số 868/TTg-NC ngày 09/7/2020 đính chính nội dung Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, độ Mật được quy định như sau: (1) Trong hoạt động thanh tra gồm: Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai. (2) Trong hoạt động giải quyết tố cáo gồm: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo, người được bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trước khi công khai kết luận nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo chưa công khai. (3) Trong hoạt động phòng, chống tham nhũng gồm: Họ tên, địa chỉ, bút tích của người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng, trừ trường hợp người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng có yêu cầu khác; Nội dung báo cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi tham nhũng; Kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh, báo cáo về tham nhũng; Những thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không công khai.

Như vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra thì trách nhiệm của Đoàn thanh tra cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) phải thực hiện các quy định theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để đảm bảo độ mật của các tài liệu theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Tiến 

Trong thời gian qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã xác định được độ mật của từng văn bản, từng lĩnh vực; nắm chắc phạm vi, danh mục bí mật nhà nước của ngành Thanh tra, xác định kịp thời, chính xác mọi bí mật nhà nước đã có, hoặc mới phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ để làm tốt công tác bảo mật, bao gồm:

Thứ nhất là, công chức trong cơ quan phải thực hiện nghiêm việc soạn thảo, xác định độ mật theo quy định, cụ thể: Cá nhân soạn thảo phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước (cụ thể đến điều, khoản, điểm) đề xuất độ mật tại tờ trình duyệt ký văn bản; thực hiện đầy đủ việc ghi tên người soạn thảo, số lượng văn bản phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tại mục “Nơi nhận”, đóng dấu “Bản số” ở phía trên bên trái trang đầu của tài liệu (bao gồm bản lưu tại Văn thư).

Thứ hai là, việc soạn thảo, đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật được tiến hành ở nơi an toàn, thực hiện nghiêm việc sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước theo quy định, chấp hành nghiêm quy định về thẩm quyền sao chụp và ủy quyền sao, chụp bí mật nhà nước. Thống kê, bảo quản, lưu giữ tài liệu bí mật nhà nước đảm bảo quy định; thực hiện việc bàn giao tài liệu bí mật nhà nước đối với cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác… Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo trực tiếp việc quản lý tài liệu mật theo đúng quy định, luôn nhấn mạnh trong việc chỉ đạo công chức tuyệt đối không sử dụng máy tính kết nối mạng internet để soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước, truyền đưa bí mật nhà nước qua mạng xã hội.

Thứ ba là, việc vận chuyển, giao nhận các tài liệu, vật mang bí mật nhà nước (cụ thể như giao, nhận tài liệu liên quan đến công tác của các Đoàn thanh tra) luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn, đều phải vào sổ, có ký nhận của người giao, người nhận. Việc giao nhận tài liệu mật được thực hiện trực tiếp tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn theo quy định. Đặc biệt, Thanh tra tỉnh đã lập Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi, Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến, Sổ chuyển giao bí mật nhà nước và Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước theo đúng mẫu quy định tại Điều 2, Thông tư 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ Công an. Thực hiện ký nhận và thống kê đầy đủ khi tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước để xác định đích đến cuối cùng của bí mật nhà nước. Mọi nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngành Thanh tra chuyển nhận bằng các phương tiện thông tin vô tuyến, hữu tuyến điện báo, fax... đều phải thực hiện thông qua Văn phòng Thanh tra tỉnh, tuyệt đối không trao đổi nội dung tài liệu mật qua hệ thống điện thoại thông thường.

Thứ tư là, trong thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đã được thống kê theo trình tự thời gian và độ mật bằng các biện pháp thích hợp bảo đảm an toàn. Trong vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước Thanh tra tỉnh đã thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong và có các biện pháp bảo quản, bảo đảm an toàn, trường hợp cần thiết có lực lượng bảo vệ. Tài liệu mật được cất giữ, bảo quản nghiêm ngặt tại nơi bảo đảm an toàn tuyệt đối. Không cán bộ nào tự ý mang tài liệu mật ra ngoài cơ quan hoặc mang về nhà riêng. Ngoài giờ làm việc phải cất tài liệu mật vào tủ, bàn khóa chắc chắn.

Thứ năm là, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn, các thành viên đoàn thanh tra và những người có liên quan phải tuyệt đối giữ bí mật về mọi thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động thanh tra; không viết bài, không đưa tin bình luận về nội dung các vụ việc đang thanh tra. Hồ sơ cán bộ, công chức do Chánh Văn phòng cơ quan trực tiếp quản lý, việc khai thác sử dụng được thực hiện theo quy định pháp luật.

Thứ sáu là, quy định Chánh Thanh tra tỉnh mới có quyền phát ngôn, cung cấp thông tin với báo chí và cơ quan có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực công tác chuyên môn của ngành Thanh tra và liên quan đến tài liệu mật của đơn vị. Công tác kiểm tra việc thực hiện bảo mật Nhà nước được thực hiện thường xuyên và công tác tổng hợp báo cáo cũng được thực hiện đúng quy định theo định kỳ.

Thứ bảy là, việc bố trí cán bộ, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước: Thanh tra tỉnh đã cử công chức theo dõi công tác bảo vệ bí mật nhà nước nhằm đánh giá thực trạng và phòng ngừa, ngăn chặn những sơ hở, thiếu sót không để các cơ quan đặc biệt nước ngoài lợi dụng thu thập thông tin tình báo, gián điệp; Bố trí tủ đựng hồ sơ có khóa cho từng phòng làm việc để lưu trữ tài liệu mật; ngoài ra, trang bị 05 máy tính độc lập và 05 USB (đã được cán bộ Công an tỉnh hỗ trợ kiểm tra an ninh, an toàn thiết bị) để sử dụng trong việc soạn thảo văn bản mật; các loại dấu bảo mật được Văn thư cất giữ và đóng dấu theo đúng quy định. Cơ quan có phòng lưu trữ tài liệu riêng, có tủ đựng các loại hồ sơ mật (được thống kê và bảo quản tài liệu cẩn thận), khi phổ biến, lưu hành tìm hiểu, sử dụng tài liệu này phải có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan. Có cán bộ được phân công chuyên trách làm công tác bảo mật lưu trữ, bảo quản tài liệu.

Theo đó, đến nay ngành Thanh tra tỉnh Quảng Nam chưa có vụ việc nào để lộ, lọt bí mật nhà nước trong công tác Thanh tra. Chưa có cán bộ, công chức nào bị xử lý vi phạm do làm lộ, lọt bí mật nhà nước. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Nam vẫn không chủ quan mà thường xuyên quán triệt, nhắc nhở công chức, người lao động tăng cường cảnh giác với mọi thủ đoạn của kẻ địch, của các phần tử chống đối Nhà nước nhằm moi thông tin để xuyên tạc, lũng đoạn gây rối...

Thanh Nhung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra