Ban cán sự đảng TTCP:

Tăng cường thanh tra trách nhiệm trong thực hiện các chính sách xã hội

Thứ năm, 18/01/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nội dung quan trọng cần triển khai trong Kế hoạch số 26-KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (gọi tắt là Kế hoạch 26).

Được biết, Kế hoạch 26 được xây dựng căn cứ theo Chương trình hành động số 04-CTr/BCSĐ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW. Việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch 26 nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Thanh tra Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển chính sách xã hội bền vững trong giai đoạn mới. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW phải được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của Thanh tra Chính phủ. Qua đó nêu cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, sớm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Bí thư ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: K. Dung

Đáng chú ý, các nội dung quan trọng cần tập trung triển khai của Kế hoạch 26 là:

Thứ nhất, về công tác thanh tra: Tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chính sách xã hội thuộc thẩm quyến của Thanh tra Chính phủ, nhất là lĩnh vực người có công, dân số, lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường; thanh tra những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hành vi trục lợi chính sách trong thực hiện các chính sách xã hội.

Thứ hai, về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thực hiện nghiêm túc, bảo đảm có chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Thứ ba, cần chủ động rà soát, cung cấp, chia sẻ thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác theo thẩm quyền, tập trung vào những tiến triển trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực người có công, dân số, lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, cần phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện pháp luật về những vấn đề có liên quan đến chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ, công bằng, hoàn thiện chính sách an sinh đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra