Yên Bái:

Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí gắn liền với mọi hoạt động kinh tế xã hội

Thứ tư, 25/05/2022 08:00
(ThanhtraVietNam) - Giai đoạn 2016 - 2021, hàng năm, UBND tỉnh Yên Bái đều đã ban hành Chương trình thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện và luôn xác định THTK, CLP là một nội dung không thể tách rời trong tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội.

Để thực hiện tốt Luật THTK, CLP, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện Luật THTK, CLP; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chương trình tổng thể THTK, CLP hàng năm của Chính phủ, của tỉnh và các văn bản khác liên quan đến công tác THTK, CLP.

Trong giai đoạn 2016-2021, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy trên cơ sở nguồn lực của địa phương, tỉnh Yên Bái đã ban hành các văn bản QPPL về THTK, CLP, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, khả năng cân đối của ngân sách địa phương và triệt để THTK, CLP, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ quan trọng khác của địa phương.

leftcenterrightdel
 Yên Bái luôn xác định THTK, CLP là một nội dung không thể tách rời trong tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Ảnh minh hoạ

Với việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp cụ thể gắn với những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung hơn cho các dự án sớm hoàn thành nên trong thời gian qua, việc tiết kiệm chi cho ngân sách của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó cho thấy, các biện pháp THTK, CLP đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định; việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã đi vào nề nếp, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, chế độ, định mức, tiêu chuẩn..., góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ đạo thực hiện xử lý dứt điểm các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Đến nay, cơ bản các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được triển khai thực hiện xong, thu nộp kịp thời cho ngân sách nhà nước các khoản tiền đã được phát hiện, kiến nghị.

Kết quả công tác thanh ta giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã tiến hành 403 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện một số đơn vị có sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi tài sản và xử lý vi phạm hành chính. Những sai phạm chủ yếu được phát hiện qua thanh tra như: sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, quản lý, sử dụng đất đai.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến việc quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí như: tổ chức các cuộc họp, hội nghị với tinh thần nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo thời gian, thành phần, chất lượng, lồng ghép các nội dung và giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, để giành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19; không còn hiện tượng sử dụng công quỹ để mua quà biếu, tặng cho cá nhân, tập thể trái quy định. Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản và kinh phí của nhà nước; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý, ban hành chính sách, chế độ, định mức để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Mặc dù vậy, công tác xây dựng chương trình THTK, CLP hàng năm và báo cáo định kỳ của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm so với quy định. Nguyên nhân là do công tác tổ chức thực hiện, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện THTK, CLP của một số cơ quan, đơn vị, địa phương có việc, có lúc chưa được đề cao.

Từ những kết quả đã đạt được cùng với những mặt còn hạn chế, UBND tỉnh Yên Bái cần chú trọng bám sát tình hình, thực hiện tốt công tác dự báo, xây dựng, chỉ đạo, triển khai các chương trình, kế hoạch về THTK, CLP đảm bảo khả thi, nâng cao hiệu quả thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịp thời có hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phân cấp về tài chính gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và tài sản công.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong THTK,CLP trên các lĩnh vực quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý tài chính trong tình hình mới; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có sai phạm. Chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, chủ động, tích cực, kịp thời và hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Gắn nhiệm vụ THTK, CLP với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế quản lý tài chính mới, nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan hành chính và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc xã hội hoá các loại hình dịch vụ công.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục công khai, minh bạch các quy định trong việc phân bổ dự toán, quản lý chi ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản công. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác công khai tài chính và thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tài chính - kế toán.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra