Thời gian qua, Vụ I, Thanh tra Chính phủ đã triển khai một số cuộc thanh tra lớn, được dư luận xã hội quan tâm, như: Kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh (KLTT số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023); KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu (KLTT số 1061/KL-TTCP ngày 13/11/2023)... Các cuộc thanh tra trên đều được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Chỉ rõ bất cập về cơ chế, chính sách liên quan đến 2 lĩnh vực, ngành hàng thiết yếu
Theo đó, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, là yếu tố “đầu vào” của các hoạt động sản xuất kinh doanh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hàng năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 18,5 đến 20,5 triệu tấn xăng dầu, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu có xu hướng tăng dần.
KLTT số 1061/KL-TTCP ngày 13/11/2023 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ một số bất cập về cơ chế, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu; công tác quản lý nhà nước về xăng dầu của một số bộ, ngành có một số hạn chế, tồn tại, vi phạm… dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.
Thanh tra Chính phủ nhận định, nguyên nhân chủ quan của của những hạn chế, tồn tại, vi phạm được chỉ ra trong KLTT là do các bộ, ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý, điều hành; hệ thống kinh doanh xăng dầu phức tạp, nhiều bất cập, làm tăng các chi phí trung gian; một số thương nhân đầu mối vi phạm pháp luật, chưa thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước; thương nhân phân phối nhiều nhưng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, năng lực còn thiếu.
Theo KLTT số 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện qua các chỉ tiêu về sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hàng năm đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước; hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định; tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 tăng 1,5 lần so với năm 2015… Những kết quả đã đạt được của ngành Điện lực là rất quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, đáng chú ý là giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh 2016-2020 đã để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm.
Tại hai KLTT này, bên cạnh những kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, điện lực, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặt khác, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra.
Trên thực tế, xăng dầu và điện là những ngành hàng thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, hai KLTT của Thanh tra Chính phủ về những lĩnh vực này đã kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách, xử lý sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước.
Vì vậy, hai cuộc thanh tra đã đạt được mục đích hoạt động thanh tra như quy định tại Điều 3 Luật Thanh tra năm 2022: “Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Đặc biệt, hai cuộc thanh tra còn góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của đồng chí Tổng Bí thư. Đó là xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai…
Cụ thể hóa các Nghị quyết về nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, lãnh đạo Vụ I đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ và Chương trình hành động của Vụ thực hiện Nghị quyết; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng công chức và tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, đảm bảo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ và Chương trình hành động của Vụ thực hiện Nghị quyết đạt mục tiêu, hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Ban cán sự đảng và của Tổng Thanh tra Chính phủ, như: Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ…
Đặc biệt là các nghị quyết, quyết định của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, gồm: Nghị quyết số 45-NQ/BCS ngày 22/7/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Nghị quyết số 76-NQ/BCS ngày 06/6/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra; Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ; Nghị quyết số 122-NQ/BCSĐ ngày 01/3/2024 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra và xử lý trách nhiệm các vi phạm trong hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ…
Phân công, phân nhiệm rõ ràng, đi đôi với đôn đốc, kiểm tra, giám sát
Bên cạnh thực hiện nghiêm các Nghị quyết của cấp có thẩm quyền về công tác thanh tra, kết quả tích cực từ các cuộc thanh tra do Vụ I thực hiện thời gian qua cũng đến từ việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Vụ.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Quy chế làm việc của Vụ, tập thể lãnh đạo Vụ I đã họp để triển khai, phân công thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với ngành, lĩnh vực được giao. Vụ trưởng Vụ I đã có Văn bản số 06/TB-V.I ngày 11/01/2023 về việc phân công nhiệm vụ đối với từng công chức của Vụ.
Tại các cuộc họp hàng tháng, lãnh đạo Vụ phối hợp với Ban Chi ủy phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, đảng viên về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Lãnh đạo Vụ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ban Chi ủy bám sát yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
|
|
Ông Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo Vụ luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đến từng công chức trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ, hiệu quả công việc. Do đó, hầu hết công chức đã nghiêm túc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Công tác quản lý nhà nước về thanh tra được quan tâm hơn; quan hệ công tác giữa Vụ I với Thanh tra các bộ, ngành ngày càng chặt chẽ, góp phần tích cực trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm đảm bảo trọng tâm, hạn chế chồng chéo. Vụ I cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch - Tổng hợp; Cục Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra...
Ông Hoàng Hưng, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài triển khai các giải pháp nêu trên, riêng đối với công tác thanh tra, Vụ đã quán triệt tinh thần và yêu cầu Trưởng đoàn các Đoàn thanh tra phải nâng cao trách nhiệm, tập trung, khẩn trương hoàn thiện, trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, ký ban hành KLTT đối với các cuộc thanh tra còn tồn đọng.
Trong quá trình thực hiện thanh tra, căn cứ nội dung thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra đã phân công nhiệm vụ cho thành viên Đoàn thanh tra phù hợp với năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác, chuyên môn nghiệp vụ nhằm phát huy năng lực để đáp ứng yêu cầu của nội dung thanh tra; sát sao công việc, bám sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng nội dung thanh tra. Hơn nữa, việc xây dựng Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo KLTT phải được quan tâm thực hiện trong quá trình thanh tra trực tiếp tại đơn vị.
Công chức khi tham gia các Đoàn thanh tra luôn nêu cao trách nhiệm với công việc được giao, thực hiện nội dung thanh tra một cách khoa học, đúng quy định của pháp luật, hoàn thiện nội dung chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu (kể cả việc thu thập hồ sơ, tài liệu); xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra ngay trong quá trình thanh tra trực tiếp. Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp tại đơn vị, các thành viên Đoàn thanh tra, nhất là Trưởng đoàn thanh tra phải tập trung cao cho việc xây dựng, hoàn thiện Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo KLTT.
Ngoài ra, nội dung Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo KLTT phải cụ thể, không chung chung, diễn đạt nội dung đảm bảo sự logic; nhận xét đúng, sai phải trích dẫn đầy đủ căn cứ pháp luật; kiến nghị biện pháp xử lý đảm bảo căn cứ, khả thi…
Từ những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của tập thể lãnh đạo, công chức, Vụ I sẽ giữ vững, phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiều cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra hoặc vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để góp phần củng cố niềm tin của người dân với sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền, đặc biệt là phát huy vai trò quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra./.