Các cơ quan Trung ương tổ chức Hội thảo:

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba, 27/08/2024 17:00
(ThanhtraVietNam) - Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)” khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc.
leftcenterrightdel
 55 năm qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Ảnh tư liệu. 

Ngày 29/8/2024, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024).

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự Hội thảo sẽ có hơn 600 đại biểu là các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; đại diện lãnh đạo: Thành ủy Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học viết chuyên đề cho Hội thảo; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy của các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo; đại diện thường trực, trưởng ban tuyên giáo, các đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối và đoàn viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ quan Trung ương.

Hội thảo được tổ chức trong những ngày tháng Tám lịch sử, cùng với nhiều hoạt động trên cả nước hướng tới kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Bản Di chúc là một trong những di sản quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Di chúc là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, định hướng chiến lược cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 55 năm trôi qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Với ý nghĩa đặc biệt đó, Di chúc được xem là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam và được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới “mong muốn cuối cùng” đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Làm theo Di chúc của Người, chúng ta đã tái thiết đất nước thành công, đang trên đường đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thực hiện Di chúc của Người và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Với ý nghĩa đó, Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học có uy tín. 109 bài tham luận tập trung phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh hết sức đa dạng, nhiều chiều, xuất phát từ vị trí, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc

Qua đó nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương.

Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)” nhằm khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc; truyền trao, khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội ý chí quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ý chí, niềm tin đó sẽ chuyển hóa thành hành động để mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra