|
|
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025”. Ảnh: Nhân dân |
Theo đó, 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
2. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% .
3. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
4. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
5. Bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
6. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
7. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ở điểm nhìn của Tạp chí Thanh tra, xin đưa cụ thể về nhiệm vụ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí:
Cụ thể, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì Nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.
|
|
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025”. Ảnh: Nhân dân |
Bên cạnh đó, tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo, dự án điện đã đầu tư, dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài (Theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153 và các dự án điện, năng lượng tái tạo, một số dự án bất động sản lớn, các dự án BT, BOT, dự án chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án bệnh viện ở tỉnh Hà Nam...).
Đồng thời, tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đang lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư, cơ hội, việc làm, tài sản... và có giải pháp khắc phục rõ ràng, khả thi, hiệu quả để giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí, bổ sung nguồn lực cho phát triển KTXH (phải có người chịu trách nhiệm và người tháo gỡ).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, khẩn trương rà soát, sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên. Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa kiến nghị với đối với Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương.
Nói riêng, các bộ ngành địa phương, Thủ tướng yêu cầu, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”;
Phải tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động với tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tập trung rà soát các quy định, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động đề xuất các giải pháp sáng tạo cho sự phát triển. Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số;
Phát huy mọi nguồn lực của các địa phương, nhất là khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, xã hội;
Tăng cường công tác quản lý giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và các địa phương khác.
Riêng các cơ quan trong hệ thống chính trị, cần tăng cường phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, bảo đảm sự chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời trong triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cơ hội, ủng hộ lẫn nhau, bổ sung, bổ trợ cho nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước.
Các cơ quan chủ động, tích cực trao đổi thông tin, phối hợp nhịp nhàng trong giải quyết các vấn đề, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giảm thiểu chồng chéo, thiếu thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan trong cả hệ thống chính trị./.