"Số tiền thu hồi tham nhũng còn ít"
Sáng nay (24.6), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9.
Dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các ĐBQH: Trung tướng Trần Việt Khoa - Giám đốc Học viện Quốc phòng; bà Bùi Huyền Mai – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.Hà Nội; Bí thư Quận uỷ Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa.
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng (quận Hoàn Kiếm) đề cập đến việc truy thu tài sản tham nhũng.
Cử tri Lê Thanh Luyến (quận Ba Đình) phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh T.Vương
Cử tri bày tỏ hoan nghênh Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã đi đầu cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kiên quyết chống tham nhũng, tìm ra nhiều vụ tham nhũng lớn phải đưa ra xét xử và các cá nhân liên quan phải chịu án, nộp lại tiền và tài sản tham nhũng.
"Tuy nhiên, số tiền và tài sản tham nhũng thu lại rất ít. Cử tri đề nghị cần công khai cho nhân dân biết, phải có cơ chế và có luật để xử, như vậy mới răn đe được cá nhân khác không nảy sinh ý định tham nhũng" - bà Thắng nói.
Cử tri Nguyễn Thị Xuân Thắng cũng nêu nguyện vọng rằng, trước mắt, đất nước còn gặp nhiều khó khăn thì cử tri mong muốn Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo tiếp tục tham gia nhiệm kỳ tới để làm sao chèo lái con thuyền của chúng ta đến đích cuối cùng.
Cử tri Lê Thanh Luyến (quận Ba Đình) cho hay, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh COVID-19, nếu không, Hà Nội sẽ có nhiều người dân mắc không khác gì TP. New York - nơi một ngày chết mấy nghìn người.
“Việt Nam chúng ta được bảo vệ an toàn, được nhà nước, Đảng, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ nên người dân chúng ta yên tâm lắm! Chúng ta rất hạnh phúc vì ở đất nước mà người dân không bị bỏ rơi”, ông Luyến nói.
Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc chi cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu không lại xảy ra tiêu cực, lại “chạy” nhầm nhà và nhất là trục lợi qua mua sắm thiết bị phòng, chống dịch bệnh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao giờ đưa vào sử dụng?
Nhắc đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Cử tri Lê Thanh Luyến cho biết, đây là dự án mà người dân Thủ đô vô cùng kỳ vọng, nhưng đến nay 8 lần chậm tiến độ, 10 năm chưa đưa vào vận hành, đội vốn đến 200%... “Cuối cùng thì ai chịu? Cuối cùng là nhân dân chịu”, ông Luyến nói.
Cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên) cũng nêu ý kiến liên quan tới dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ nhiều lần khiến nhiều người bức xúc.
"Về đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, sau hơn 10 năm thi công, đến giờ vẫn chưa đưa vào sử dụng" - ông Hảo nói và đặt câu hỏi Chính phủ giải quyết vấn đề này như thế nào, bao giờ đưa vào sử dụng?
Trao đổi với cử tri, ĐBQH Trần Việt Khoa cho rằng: Công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh. Vừa chống dịch, vừa lo chuẩn bị cho tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhưng công tác phòng chống tham nhũng luôn được quan tâm. Đặc biệt là các vụ án lớn từ nay cho đến cuối năm dứt khoát được đưa ra xét xử, kết luận.
"Cử tri cứ yên tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, sẽ phòng chống tham nhũng như sự mong mỏi của bà con. Cử tri cứ yên tâm vào sự lãnh đạo của Đảng, làm bộ máy trong sạch để lãnh đạo đất nước bước vào thời kỳ mới" - ông Khoa nói.
Liên quan đến vấn đề dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội chậm tiến độ, ông Khoa cho rằng: Việc chậm đầu tư công, dự án đường sắt cao tốc trên cao là bài học trong đầu tư vốn ODA nước ngoài.
"Có lẽ đây là bài học còn rất lâu dài trong mỗi con người chúng ta khi chọn đối tác, và chọn nhà đầu tư công. Từ 2 nhiệm kỳ trước và đến nay, chúng ta rất tích cực đề nghị nhà thầu quan tâm, giải quyết dứt điểm" - ông Khoa nói.
Theo Vương Trần - Nguyễn Hà/Báo Lao động