Giảm thủ tục rườm rà, người dân dễ tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Thứ hai, 05/07/2021 07:35
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ lần này sẽ rút kinh nghiệm những bất cập ở gói hỗ trợ trước, do vậy sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người lao động và doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đối với người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Coid-19. 

Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Đặc biệt là đã chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương, xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai đúng đối tượng, không để lợi dụng trục lợi chính sách. 

leftcenterrightdel
 Gói hỗ trợ 26.000 tỷ thiết thực, có tính khả thi cao

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Bộ Lao động đang phối hợp với các bộ ngành để ban hành quyết định. Quyết định triển khai nghị quyết sẽ được xây dựng trên tinh thần thiết thực, khả thi hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động.

Trao đổi với VietNamNet, bà Trần Thị Thanh Hà, quyền Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, Nghị quyết lần này đã được ban hành khá kịp thời, đáp ứng được sự mong mỏi của người lao động và người sử dụng lao động. 

Nghị quyết đã đưa ra các nguyên tắc hỗ trợ như: Phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để dễ dàng tiếp cận chính sách, do vậy chính sách sẽ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

“Việc quy định rất rõ đối tượng, tiêu chí và trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, bộ, ngành sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động tiếp cận dễ dàng gói hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi cao”, bà Hà đánh giá.

Trước lo ngại lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ, bà Hà cho rằng, Nghị định cũng đã nói rõ, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền cụ thể để hỗ trợ cho các đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Để việc hỗ trợ đến được với người lao động một cách kịp thời, theo bà Hà cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định đối tượng bị tổn thương nhất, cần hỗ trợ cấp bách nhất để ban hành các chính sách cho phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Bà Hà chia sẻ, gói hỗ trợ lần này được xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bất cập ở gói hỗ trợ trước; có sự chia sẻ thông tin, thảo luận giữa các bộ ngành trung ương và địa phương. 

Đặc biệt là sự lắng nghe tích cực từ cơ sở, từ tổ chức công đoàn, từ phía người sử dụng lao động và từ các địa phương đã trải qua các đợt dịch nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng gói hỗ trợ lần này sẽ thiết thực, có tính khả thi và đáp ứng được mong mỏi của người lao động và doanh nghiệp.

Lùi thời hạn đóng phí công đoàn cho doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Tổng liên đoàn Lao động yêu cầu Liên đoàn các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn đồng ý cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh nghỉ từ 50 % trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên được lùi thời điểm đóng phí công đoàn đến 31/12/2021.

Tổng Liên đoàn Lao động đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.


Theo Vietnamnet.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra