Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội

Thứ ba, 16/06/2020 14:37
(ThanhtraVietNam) - Từ sau kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (Ban Thường trực) và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành 11 nội dung giám sát theo chương trình cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Trong đó, Ban Thường trực đã thực hiện 6 nội dung giám sát: Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân (gồm 2 vụ việc); việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019; việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Ban Thường trực đã nắm bắt tình hình, khảo sát thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở một số địa phương, kịp thời vận động, hỗ trợ và đề xuất biện pháp khắc phục; nắm bắt một số vụ việc nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích họp pháp, chính đáng của Nhân dân, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo, giải quyết; đã và đang tích cực triển khai giám sát, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Cụ thể, về việc giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; tham gia giải quyết một số vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài của Tổ công tác của Chính phủ là giám sát vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến dự án Khu Du lịch và giải trí Sông Lô, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ban Thường trực đã chủ trì tổ chức giám sát liên ngành việc giải quyết đơn tố cáo của của công dân, trú tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tố cáo một số sai phạm liên quan đến Dự án trên.

Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài, đã được các cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa nhiều lần giải quyết, ban hành nhiều văn bản báo cáo, trả lời gửi Thủ tướng Chính phủ và hộ gia đình công dân. Thực hiện Kế hoạch giám sát vụ việc, trong thời gian từ ngày 26/8/2019 đến ngày 30/8/2019, Đoàn giám sát liên ngành đã làm việc với người khiếu nại, tố cáo; Công ty CP Hoàn cầu Nha Trang; UBND thành phố Nha Trang; Sở Tài nguyên - Môi trường; UBND tỉnh Khánh Hòa; Thanh tra Chính phủ; Bộ Tài nguyên - Môi trường và một số cá nhân có liên quan đến vụ việc. Quá trình giám sát được thực hiện một cách khách quan, dân chủ, đúng theo các quy định của pháp luật; ngoài làm việc trực tiếp với các cơ quan và cá nhân, Đoàn giám sát còn tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Bên cạnh đó, còn giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo của một số công dân trú tại Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ban Thường trực đã tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, sau giám sát, đã ban hành văn bản kiến nghị số 503/MTTW-BTT ngày 17/01/2020 đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc.

Liên quan tới giám sát cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019, trên cơ sở theo dõi công tác cải cách hành chính, phối hợp kiểm tra, nghiên cứu báo cáo kết quả giám sát của địa phương cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết việc cho người dân, doanh nghiệp, khắc phục dần những hạn chế đã được chỉ ra và qua ý kiến, kiến nghị giám sát các kỳ trước; hoạt động cổng dịch vụ công quốc gia bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Việc điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính được các địa phương triển khai, tổ chức thực hiện ngày càng chủ động và đi vào nền nếp; một số địa phương mở thêm kênh để đo lường sự hài lòng của ngưừi dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ; Sở Nội vụ cấp tỉnh đã hoàn thành tốt vai trò làm đầu mối, chủ trì chọn mẫu, giám sát việc phát, thu phiếu và phúc tra kết quả phát, thu phiếu điều tra xã hội học; việc triển khai chọn mẫu; phát, thu phiếu điều tra xã hội học được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và Hội Cựu chiến binh cùng cấp giám sát, phúc tra nghiêm túc, có trách nhiệm...

Sau giám sát, Ban Thường trực đã ban hành Báo cáo số 114/BC-MTTW-BTT ngày 19/3/2020 về kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ.

Như vậy, thông qua giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới phương pháp và cách làm giám sát; mở rộng các hình thức giám sát với sự tham gia của các thành viên, chuyên gia, cá nhân tiêu biểu, báo chí...; giảm đáng kể hình thức thành lập đoàn giám sát; đồng thời tăng cường giám sát các nội dung đột xuất, nổi cộm, được dư luận và Nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, thông qua việc ký kết các chương trình phối họp giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy được sự tham gia tích cực, trách nhiệm, có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; chủ động quan tâm bố trí cán bộ theo dõi, tham gia các hoạt động, tiếp nhận và xử lý thông tin thường xuyên, hỗ trợ cho quá trình giám sát.

Có thể nói, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương. Các nội dung kiến nghị sau giám sát được Chính phủ kịp thời có văn bản phúc đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện; đồng thời, quan tâm hỗ trợ về kính phí bảo đảm cho hoạt động giám sát của ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy được vai trò chủ động, tiên phong trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, hội viên của tổ chức mình trong hoạt động giám sát./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra