Nhìn lại chặng đường điều hành và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 của Chính phủ, chúng ta nhận thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế đang chậm lại thì những thành tựu kinh tế của Việt Nam đạt được trong giai đoạn 2016-2020 là những điểm sáng vô cùng khích lệ.
Đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô bị chững lại do tác động của dịch COVID-19
nhưng về cơ bản Chính phủ đang kiểm soát khá hiệu quả (Ảnh: HNV)
Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019, với tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81%; năm 2018 đạt 7,08%; năm 2019 đạt 7,02%, là một tin vui khi mà các tổ chức quốc tế đều cho rằng, nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "bốn thấp" (tăng trưởng thấp, thương mại - đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp).
Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, năm 2019 bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).
Đáng chú ý là lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giảm từ 7,7% bình quân giai đoạn 2011-2015, xuống 3,1% bình quân giai đoạn 2016-2017, năm 2018 là 3,54%, năm 2019 là 2,79% (vượt kế hoạch đặt ra).
Hơn nữa, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Song song với đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt được nhiều kết quả như: Lũy kế giai đoạn 2017 – 2019, đã có 171 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa…
Đến nay, tái cơ cấu lại đầu tư công cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời, tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên.
Có được kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã có một quyết tâm rất lớn, thể hiện một lời hứa trước nhân dân rất mạnh mẽ là Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân và doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển.
Vì vậy, sau những nỗ lực, Việt Nam đã có một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới. Việt Nam đã từng bước nâng cao nội lực của nền kinh tế, đặc biệt, chúng ta đã liên tục đạt được sự tăng trưởng trong thời gian qua. Có thể thấy, Việt Nam đã tạo ra một nền tảng cho nền kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo "mạch máu" hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho người dân và làm chỗ dựa cho kinh doanh phát triển.
Về kinh tế vùng, Việt Nam cũng đã tạo ra một sự chuyển biến, nhất là vùng biển và tạo ra một thế mạnh trong việc tìm ra hướng đi cho năng lượng điện tái tạo. Điều này hướng tới quy mô lớn, là tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các vấn đề về môi trường, nước sạch nông thôn, phát triển đô thị, kiểm soát ngập lụt, biến đổi khí hậu là tương đối đạt được một số yêu cầu mang tính chất chủ động trong phát triển.... Trong 30 năm, nhất là vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng quyết liệt trong giảm nghèo, giảm nghèo bền vững rất thành công.
Đây là thành công lớn của Việt Nam trên bản đồ xóa nghèo thế giới, là mảng sáng đặc biệt. Ngay cả thế giới cũng thừa nhận là Việt Nam, từ một quốc gia nghèo đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và hiện đang là nền kinh tế phát triển năng động.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thử thách của đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy nền kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định, nhất là hệ thống ngân hàng của rất vững vàng, giúp cho nền kinh tế phát triển tốt sau dịch bệnh. Điều này thể hiện sự chủ động trong điều hành, quản trị nhà nước đối với kinh tế - xã hội.
Theo Dangcongsan.vn