Sáng 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
|
|
Toàn cảnh Kỳ họp thứ tám. (Ảnh: quochoi.vn) |
11 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng GDP gần 7%/năm nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững vì vẫn dựa vào động lực của FDI. Điều đáng nói là nếu các doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn thì các doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, ông Huân cho rằng cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước.
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao đủ kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương theo vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 1535 của Thủ tướng Chính phủ.
|
|
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. (Ảnh: quochoi.vn |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Mặt khác, tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng hiện vẫn còn các địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do một số nội dung còn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và thuận lợi. Việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, triển khai văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương... Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về tiến độ giải ngân và sử dụng nguồn vốn đầu tư công; đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế; các quỹ tài chính ngoài ngân sách; tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước…
Sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, đồng thời giải trình, làm rõ một số vấn đề.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục, kể cả đối với chi thường xuyên (phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt). Do đó, giải pháp trong thời gian tới là Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên hop. (ảnh: quochoi.vn) |
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Đối với vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp vì đất là khoáng sản, phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Do đó, Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Vấn đề thủ tục thu tiền sử dụng đất là do việc xác định giá đất tiến hành chậm, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết. Nên khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ…
Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện đầu tư công
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, không khí thảo luận của các đại biểu tại hội trường khá sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn) |
Các đại biểu lưu ý cần tăng cường vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương; tập trung các giải pháp quản lý thu và chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử; điều hành chi ngân sách theo hướng đảm bảo dự toán chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt lưu ý công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu chi ngân sách.
Đáng chú ý, các đại biểu đề nghị cần kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công; thực hiện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, không dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần tính toán dự kiến sát hơn để hạn chế phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị quản lý sử dụng có hiệu quả đúng quy định dự toán được điều chỉnh bổ sung…
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về các đề xuất kiến nghị của Chính phủ đối với dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tham gia ý kiến về dự toán thu về số kinh phí chưa phân bổ dự toán; bố trí dự toán cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ…/.