VATM: Sau đại dịch Covid-19 đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử

Thứ ba, 23/06/2020 09:26
(ThanhtraVietnam) - Để đối phó với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực kịp thời tạo đà từng bước tăng trưởng trở lại.

 Những khó khăn lớn sau đại dịch

Sau dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi ở Việt Nam, các ngành kinh tế dần phục hồi phát triển trở lại, thì riêng với ngành hàng không – Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn rất lớn, phụ thuộc trực tiếp từ tình hình hoạt động của các hãng hàng không. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và các chính sách hạn chế giao thông hàng không của Chính phủ các nước như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vì vậy, đã làm sản lượng khai thác của các hãng hàng không toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng điều hành bay đi, đến và điều hành bay quá cảnh của Tổng công ty.

Các báo cáo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) chỉ rõ, do tác động của dịch COVID-19 tới ngành hàng không toàn cầu, sản lượng điều hành bay quá cảnh đã giảm chạm đáy trong 3 tháng đầu năm, và bắt đầu phục hồi, song con số vẫn rất hạn chế. Cụ thể, sau khi chạm đáy, căn cứ tình hình thực tế, dự báo sản lượng bay đi, đến của Việt Nam trong tháng 5/2020 ước đạt 105% so với tháng 4/2020; Trong sáu tháng cuối năm 2020, sản lượng mỗi tháng ước đạt 120% so với tháng trước liền kề.

Tổng sản lượng điều hành bay năm 2020 của VATM dự kiến chỉ đạt 436.145 lần chuyến, bằng 44,8% so với thực hiện năm 2019 (giảm 536.763 lần chuyến so với thực hiện 2019). Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do sụt giảm sản lượng, chỉ tiêu doanh thu của Tổng công ty tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay cho Tổng công ty. Hiện đã có một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay, một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán được, điều này gây khó khăn lớn cho hoạt động của Tổng công ty. Các chỉ tiêu như doanh thu, nộp ngân sách, lương cán bộ công nhân viên Tổng công ty đều sụt giảm mạnh.

Giải pháp tích cực tạo đà phục hồi

Để khắc phục những khó khăn lớn phải đối diện, Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp cắt giảm, giãn tiến độ thực hiện các khoản chi, bố trí lại thời giờ làm việc của người lao động cho phù hợp với mật độ và lưu lượng bay, đảm bảo tuân thủ yêu cầu “giãn cách xã hội” theo chỉ đạo, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động hướng tới cân đối chi phí.

Tổng công ty xây dựng lại Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Các giải pháp điều hành sản xuất kinh doanh, bao gồm giải pháp trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, giải pháp trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, lao động-tiền lương...

Trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ duy trì chế độ trực ca, kíp nghiêm túc, không được lơ là, chủ quan khi mật độ bay giảm. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ tại chỗ cho lực lượng kiểm soát viên không lưu.

 

                                                                                                      Kíp trực tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài

Tập trung kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các hệ thống, trang thiết bị phục vụ điều hành bay, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường, khuyến khích lực lượng bảo đảm kỹ thuật tại các đài, trạm thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng tại chỗ; tiết kiệm tối đa việc sử dụng các vật tư dự phòng, vật tư tiêu hao. 

Về giải pháp trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, lao động-tiền lương, thực hiện tốt các chế độ tài chính, kế toán, tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán các dự án hoàn thành và nhiệm vụ chi thường xuyên. Đồng thời, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch các dự án chuyển tiếp năm 2019, tiếp tục thực hiện các thủ tục triển khai các dự án đầu tư mới năm 2020. Sắp xếp, chủ động về nguồn vốn đầu tư, đảm bảo 100% các dự án quan trọng đều được thu xếp vốn đầu tư theo tiến độ; phấn đấu đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm của Tổng công ty theo đúng tiến độ đề ra.

Ngoài ra, việc đầu tư cho các nền tảng kỹ thuật số của VATM cũng được đánh giá là kịp thời. Trong bối cảnh cả thế giới đang chuyển đổi từ việc quản lý thông thường qua các nền tảng số (Digital platform), quản trị thông minh với sự trợ giúp từ hệ thống máy tính (AI-Artificial Intelligence), phân tích dữ liệu lớn (Big data)...  thì ngành hàng không của Việt Nam cũng như ngành Quản lý bay không nằm ngoài xu thế hội nhập quốc tế đó. Việc chuyển đổi này gắn liền với công việc đầu tư công nghệ hiện đại đi liền với việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động trực tiếp trong dây chuyền cung cấp dịch vụ quản lý bay.

                                                                                      

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra