KỶ NIỆM 56 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG THANH TRA CÔNG AN NHÂN DÂN (28/5/1967 - 28/5/2023):

Nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân

Thứ hai, 29/05/2023 09:42
(ThanhtraVietNam) - Nhờ sự tích cực, chủ động tham mưu của lực lượng Thanh tra Công an nhân dân (CAND), Thủ trưởng Công an các cấp đã thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục và nâng cao hiệu quả.

Vai trò quan trọng của Thanh tra Công an nhân dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn từ năm 2016 đến 2021 đối với nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công an.

Kết quả giám sát cho thấy, Bộ Công an được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc tiếp công dân của Bộ trưởng.

Thanh tra CAND là một bộ phận quan trọng của lực lượng CAND, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Thanh tra CAND đã tích cực, chủ động tham mưu Thủ trưởng Công an các cấp thực hiện hiệu quả việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND để thực hiện thắng lợi các mặt công tác Công an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND, đặc biệt góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, bất cập, làm giảm hiệu quả của công tác này như: Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo chưa bảo đảm khách quan, triệt để, chính xác; một bộ phận lãnh đạo Công an các cấp chưa quan tâm làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến kết quả giải quyết chưa đầy đủ, chính xác, có những vụ việc giải quyết không dứt điểm, còn chậm trễ làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với lực lượng CAND.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do:

(1) Việc bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác thanh tra ở một số Công an đơn vị, địa phương thiếu tính ổn định; lực lượng làm công tác thanh tra kiêm nhiệm ở các đơn vị thường xuyên thay đổi do luân chuyển, điều động thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác nhau. Đặc biệt thời gian qua, Bộ Công an triển khai mô hình tổ chức mới và thực hiện đề án bố trí Công an xã, nhiều cán bộ thanh tra ở Công an địa phương được điều động về công tác tại Công an xã đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;

(2) Việc xây dựng một số văn bản quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của lực lượng CAND chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến việc áp dụng và thi hành;

(3) Chất lượng công tác tham mưu của một số cán bộ thanh tra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

(4) Công tác theo dõi, quản lý, giám sát cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, dẫn đến cán bộ làm công tác thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ vẫn mắc phải sai phạm phải kiểm điểm, xử lý;

(5) Việc triển khai công tác nắm tình hình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra CAND chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng dẫn đến các vụ việc giải quyết có lúc chưa triệt để.

leftcenterrightdel
 Một buổi tiếp công dân của lực lượng CAND. Ảnh: NT

Xuất phát từ tình hình thực tế, dự báo trong các năm tới tình hình khiếu nại, tố cáo trong CAND sẽ còn tiếp tục phát sinh phức tạp, có khả năng tăng về số lượng và diễn biễn phức tạp hơn. Mặt khác, yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của ngành Công an trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự ngày càng được quan tâm chỉ đạo trong khi nhận thức của người khiếu nại, tố cáo chưa thể nâng cao trong một sớm, một chiều làm cho tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp vượt cấp là điều tất yếu. Do đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những năm tới đòi hỏi lực lượng Thanh tra CAND phải ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tương xứng với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Để góp phần thực hiện nghiêm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực cho yêu cầu xây dựng lực lượng CAND, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND nhằm xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, thật sự trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Theo đó, thời gian tới cần tiến hành thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là,Thanh tra CAND trong công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuyệt đối tuân thủ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công an, quy chế, quy trình và điều lệnh CAND; bám sát phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, của lực lượng CAND, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng ủy CATW, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; lấy xây dựng lực lượng CAND là mục tiêu; kiên quyết phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật CAND, gây mất đoàn kết nội bộ.

Hai là, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn, dễ nghe, dễ hiểu. Đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng, từ đó nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; xác định rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của thủ trưởng, cán bộ làm công tác thanh tra tại Công an các địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm việc giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định của pháp luật.

Ba là, thường xuyên rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND. Tăng cường công tác tham mưu, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để kịp thời hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho cán bộ thanh tra khi tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, Thanh tra Bộ Công an tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương sơ kết, tổng kết công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để rà soát, phát hiện những điểm không phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo do Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an ban hành để tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an hoặc tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về công tác tiếp công dân, quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của lực lượng Công an các đơn vị, địa phương nói chung, lực lượng Thanh tra CAND nói riêng. Trước hết phải kiểm tra việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của thủ trưởng Công an các địa phương như: Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch thanh tra, tiếp nhận, phân loại, đề xuất xử lý đơn; việc chỉ đạo, điều hành, lựa chọn, phân công cán bộ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kết quả kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo rút ra bài học kinh nghiệm, những ưu điểm để phát huy, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục những tồn tại, thiếu sót để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Năm là, kiện toàn tổ chức Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương, củng cố, sắp xếp, bổ sung biên chế tổ chức thanh tra tại đơn vị, địa phương đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Thường xuyên mở lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị đào tạo, bồi dưỡng theo từng chuyên đề có liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị. Trang bị phương tiện công nghệ thông tin hiện đại cho thanh tra Công an các đơn vị, địa phương, áp dụng những thành tựu của khoa học cộng nghệ để làm tốt công tác lưu trữ thông tin, kiểm tra, xác minh nắm tình hình và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có hiệu quả và khoa học.

Sáu là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các đơn vị chức năng khác để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc phối hợp cần được thực hiện toàn diện, từ trao đổi thông tin khi tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng, phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch xác minh, thực hiện các biện pháp xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo, thu thập tài liệu đánh giá chứng cứ để kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bảy là, chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để chủ động tham mưu cho thủ trưởng Công an các cấp chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân trong CAND có hành vi vi phạm nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong CAND, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.

Trung tá, Ths. Hoàng Văn Sóng - Thanh tra Bộ Công an

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra