Hậu Giang:

Tập trung giải quyết các tranh chấp từ lúc phát sinh ở cơ sở

Thứ năm, 11/04/2024 20:14
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở được các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả tích cực, từ đó giúp tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao, góp phần hạn chế những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đối thoại với công dân

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối thoại với công dân

Hậu Giang: Hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế khiếu kiện vượt cấp

Phát sinh nhiều khiếu nại liên quan đến đất đai

 Trong năm 2023, toàn tỉnh phát sinh mới 1.136 trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy luật, song diễn biến còn khá phức tạp. Dự kiến trong thời gian tới, các khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là liên quan đến đất đai sẽ có thể gia tăng khi nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, năm qua đối với cấp tỉnh đã giải quyết 142 vụ việc khiếu nại của công dân, trong đó, nội dung khiếu nại chủ yếu là về giá đất, giá nhà, yêu cầu nâng giá cây trồng, vật nuôi, giải quyết tái định cư.

Nguyên nhân chính khiến khiếu nại, tố cáo phát sinh là do xung đột lợi ích khi thu hồi đất. Bởi một khi người dân cảm thấy các vấn đề như về giá đất, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… chưa được giải quyết thỏa đáng thì họ sẽ thực hiện quyền khiếu nại.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối thoại với công dân, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài (ảnh:haugiang.vn)

Tình hình khiếu nại, tố cáo xuất phát do nhiều nguyên nhân, trong đó, có những trường hợp người dân khiếu nại do hiểu chưa rõ các quy định, hoặc người dân nhận thức pháp luật đúng nên khiếu nại khi thấy cơ quan nhà nước giải quyết chưa chính xác.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi công vụ, một số cơ quan, cán bộ, công chức áp dụng pháp luật chưa đúng, đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân hoặc quy định; chính sách chậm thay đổi, dẫn đến bất cập với thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại.

Cùng với khiếu nại về giá đất thì việc tái định cư cũng được rất nhiều hộ dân quan tâm. Như trường hợp của ông Huỳnh Văn Bé Ba, ngụ xã Đông Phú, có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Khu công nghiệp Sông Hậu, ông Bé Ba đề nghị UBND huyện Châu Thành giải quyết tái định cư. Vì theo ông Bé Ba, gia đình ông bị thu hồi phần đất ở nên phải được tái định cư. 

Tại huyện Châu Thành, địa bàn công nghiệp trọng điểm của tỉnh với nhiều dự án đang triển khai, năm qua, địa phương tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền 475 đơn, thư khiếu nại (tăng 333 đơn so năm 2022).

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, trong năm, các khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực đất đai là chủ yếu, huyện cũng đã nỗ lực, tập trung giải quyết thật thấu tình, đạt lý cho người dân với tỷ lệ giải quyết khiếu nại đúng đạt cao, với các trường hợp khiếu nại lần hai đến UBND tỉnh, đều được thống nhất giữ nguyên kết quả giải quyết lần đầu của huyện.

Tăng cường công tác đối thoại để giải quyết ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở

Theo Thanh tra tỉnh, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các địa bàn thu hồi nhiều đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, đòi lại đất cũ của một số cá nhân, tổ chức có xu hướng gia tăng, tính chất nhạy cảm… từ đó đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo cần tăng cường công tác đối thoại để giải quyết ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở. Tập trung giải quyết thấu đáo, hợp lý, hợp tình, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật cho người dân, như thế mới có thể hạn chế thấp nhất các khiếu nại, tố cáo xảy ra.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cùng yêu cầu cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; cần xem xét, đề xuất điều chỉnh các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc thẩm quyền của tỉnh khi không còn phù hợp hơn với thực tế.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần trực tiếp tác động đến việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Vì thế khi tiến hành hòa giải, các hòa giải viên phải sử dụng kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật đất đai, hôn nhân và gia đình,… để giải thích, phân tích, thuyết phục, hướng dẫn, giúp đỡ các bên đưa ra phương án giải quyết hợp tình, hợp lý, hợp pháp, cùng chấp nhận được. Thông qua hoạt động này, các bên tranh chấp và cả những người xung quanh được cung cấp, củng cố, mở rộng kiến thức pháp luật về nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, hòa giải ở cơ sở là công việc rất quan trọng góp phần giảm đơn thư khiếu nại và nâng cao nhận thức của người dân, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn dân cư. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn Tổ hòa giải ở các ấp trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đến chế độ, nâng cao trình độ chuyên môn cho các hòa giải viên, từ đó giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra