Thể chế hóa quy định của Đảng bằng chính sách, pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ hai, 06/03/2023 11:33
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; củng cố lòng tin, tăng cường mối quan hệ giữa mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phấn đấu 100% người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tiếp dân định kỳ theo quy định

Kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến rõ rệt

Việc quán triệt, thể chế hóa các quy định của Đảng, nhất là triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC” (Chỉ thị 35); Quy định số 11- QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua các đợt sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị số 35 đã được Chính phủ, bộ ngành và UBND các địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ nét, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV cho thấy, về cơ bản Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KNTC thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Cụ thể:

Đối với Chính phủ, căn cứ các quy định của Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được Quốc hội ban hành, Chính phủ đã ban hành 05 nghị định về TCD, giải quyết KNTC trong lĩnh vực hành chính để quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Các văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện.

Sau khi Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; đến nay Nghị định số 124/2020/NĐ- CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã được ban hành thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 và có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.

Cùng với đó, căn cứ Luật Tố cáo năm 2018 đã được Quốc hội ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo thay thế cho Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo 2011.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan này đã ban hành các văn bản để triển khai, thực hiện trong toàn ngành như: Quyết định số 743/QĐ-TANDTC ngày 23/11/2016 xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 04/2020/CT-CA ngày 11/6/2020 về việc nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC trong Tòa án nhân dân; Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 quy định về việc giải quyết KNTC trong Tòa án nhân dân; ban hành Quy chế TCD và Nội quy TCD trong Tòa án nhân dân. Cụ thể:

Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Quyết định 307/QĐ-TANDTC ngày 29/10/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về Quy chế TCD của Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18/6/2020 quy định về việc giải quyết KNTC trong Tòa án nhân dân.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Ban hành Quy định phối hợp trong việc thông báo, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, căn cứ Luật TCD, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các Bộ luật tố tụng: Dân sự, hình sự, hành chính, lao động... ; căn cứ chức năng nhiệm vụ của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực, sớm ban hành các văn bản về hướng dẫn quy trình, thủ tục, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành, trong đó có quy định về việc giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp; nội quy, biểu mẫu về TCD; các văn bản về tăng cường công tác quản lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Cơ quan này cũng kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp với pháp luật hiện hành, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện . Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp cho lãnh đạo, Kiểm sát viên và công chức của ngành Kiểm sát nhân dân nhận thức và thực hiện thống nhất trong việc TCD, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực TCD, giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết KNTC thuộc ngành Kiểm sát: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành các văn bản: Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/12/2016 ban hành Quy chế về công tác TCD, giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát để thay thế cho các quyết định trước đó ; Quyết định số 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020, ban hành Quy định về Quy trình TCD trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 242/QĐ-VKSTC ngày 26/7/2021 ban hành Nội quy TCD của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện kiểm sát cũng đã ban hành Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có mẫu về công tác TCD, xử lý đơn, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp để bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong toàn ngành Kiểm sát.

Ngoài ra, đối với công tác ban hành văn bản thuộc trách nhiệm liên ngành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và một số bộ ngành Trung ương ban hành 04 Thông tư liên tịch Quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; Quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính; Quy định phối hợp trong việc thông báo, báo cáo kết quả giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp; Quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về KNTC./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra