Thanh tra tỉnh Vĩnh Long:

Ban hành quy chế tiếp công dân của cơ quan Thanh tra tỉnh

Thứ hai, 27/12/2021 15:16
(ThanhtraVietNam) – Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quy chế Tiếp công dân của cơ quan Thanh tra tỉnh. Quy chế gồm 4 chương và 16 Điều quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân cũng như của cơ quan tiếp công dân.

Theo đó,  Quy chế này quy định việc tổ chức tiếp công dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan Thanh tra tỉnh Vĩnh Long; đồng thời, áp dụng đối với Chánh Thanh tra tỉnh tiếp dân định kỳ hoặc tiếp công dân đột xuất; công chức được phân công và các cán bộ công chức có liên quan thực hiện tiếp công dân thường xuyên vào các ngày làm việc theo quy định.

Mục đích của quy chế này là hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật; đồng thời, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền của cơ quan Thanh tra tỉnh thì giải thích, hướng dẫn hoặc chuyển đơn tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

leftcenterrightdel
Văn phòng Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên, Chánh Thanh tra tỉnh tiếp công dân vào ngày 12 và 25 hàng tháng (Ảnh: Đình Thuyết)

Quy chế cũng nêu rõ, lịch tiếp công dân thường xuyên từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần (trừ ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định). Lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan Thanh tra tỉnh. Riêng Chánh Thanh tra tỉnh sẽ trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân vào ngày 12 và ngày 25 hàng tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình (nếu trùng ngày nghỉ, lễ...thì chuyển tiếp dân ngày hôm sau).

Chánh Văn phòng phân công công chức thuộc Văn phòng tổ chức tiếp công dân thường xuyên; các phòng nghiệp vụ có trách nhiệm phối hợp cùng Văn phòng thực hiện tiếp công dân đối với các vụ việc có liên quan.

Quy chế cũng quy định, khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải chấp hành những quy định của cơ quan về trang phục Ngành, phù hiệu theo quy định.

Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết….

Quy chế cũng quy định, quyền của công dân tại địa điểm tiếp dân, cụ thể: Được trình bày những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và yêu cầu được hướng dẫn, giải thích về nội dung đã trình bày; Được khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu của người tiếp công dân.

Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Quy chế nghiêm cấm những hành vi: Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ.

Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; mang vũ khí, hung khí, chất gây cháy, nổ, khẩu hiệu hoặc băng rôn và những vật cồng kềnh vào địa điểm tiếp dân.

Gây rối an ninh, trật tự tại địa điểm tiếp dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ hoặc cản trở, gây phiền hà cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Chánh Thanh tra tỉnh yêu cầu, các Phó Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng nghiệp vụ cơ quan Thanh tra tỉnh, các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Đồng thời, trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc có khó khăn trong tổ chức, thực hiện phản ánh kịp thời về cơ quan Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra