UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua đó, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan; thống nhất sự chỉ đạo từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã nhằm nâng cao chất lương, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Sở Y tế chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành
Trách nhiệm phối hợp trong tham mưu quản lý nhà nước, quản lý nhà nước về ATTP được quy định cụ thể tại Chương II của Quy định. Trong đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Y tế chủ trì thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng, ATTP đối với sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; kiểm tra, truy xuất, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn theo hướng dẫn. Đồng thời, thực hiện các chương trình giám sát ATTP, đánh giá nguy cơ và truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân gây mất ATTP trong phạm vi được phân công.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn.
UBND các huyện, thành phố chủ động, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu, lưu thông, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
|
|
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. (Ảnh: baokontum.com.vn) |
Về công tác phối hợp, UBND tỉnh giao Công an tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với hàng thực phẩm đóng gói sẵn theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Công tác phối hợp phải thống nhất, không chồng chéo
Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Kon Tum quy định rõ việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Cụ thể, các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra ATTP theo đề nghị của cơ quan chủ trì thực hiện.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Trong trường hợp có sự trùng lặp kế hoạch, chương trình thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh quy định rõ việc xử lý như sau: Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cùng cấp trùng nhau về cơ sở thì các bên trao đổi thống nhất thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ trì việc thanh tra, kiểm tra phải thông báo bằng văn bản kết quả phối hợp thanh tra, kiểm tra cho cơ quan tham gia phối hợp. Thực hiện việc chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, các đơn vị liên quan từ lập kế hoạch đến thực hiện thanh tra, kiểm tra và kết quả thanh tra, kiểm tra để bảo đảm công tác phối hợp được thực hiện.
Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của các cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh để xem xét, giải quyết, Quy định nêu rõ.
Trường hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm thì Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức và phân công thực hiện kiểm tra các sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm của các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; cơ quan phối hợp có trách nhiệm cử cán bộ để tham gia.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Cục Quản lý thị trường Kon Tum, Công an tỉnh tích cực phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các huyện, thành phố triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp và đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra./.