Mạng internet là một thế giới mở, nơi bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, trong đó có trẻ em - đối tượng chưa làm chủ được hành vi, cần được quan tâm bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều vụ liệc liên quan đến trẻ em trên mạng internet gần đây (nhiều vụ bắt cóc trẻ em do bố mẹ đăng thông tin lên mạng xã hội) đã cho chúng ta những bài học về những tác động khó lường của hệ thống thông tin mở này. Thậm chí tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm... đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ Internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động, tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã biến Internet trở thành không gian xã hội mới, nơi trẻ em có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian. Trẻ em là đối tượng nhận được sự quan tâm, chăm sóc không chỉ của bố mẹ, gia đình mà còn của toàn xã hội.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Hiện trẻ em được tiếp cận khá ít kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Luật sư Diệp Năng Bình dẫn chứng, hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. An toàn trên môi trường mạng cũng là một kỹ năng sống cần thiết với trẻ em. Chúng ta cần thiết kế làm sao để trẻ em có sự lựa chọn. Độ tuổi, giới tính khác nhau, cần có chương trình giáo dục kỹ năng phù hợp. Hiện nay, công nghệ số thay đổi rất nhanh. Cập nhật các vấn đề này vào chương trình giáo dục còn là một thách thức, nhưng thách thức đó không thể không giải quyết, vì là một nhu cầu xã hội thực sự cần, nguy cơ bị trẻ em xâm hại trên môi trường mạng là thực tế. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan khác như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên…, để làm sao có chương trình đào tạo giáo dục tốt nhất, chương trình truyền thông tốt nhất, giúp trẻ em có những kỹ năng tốt nhất.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, giúp trẻ em tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro có thể ảnh hưởng tới các em từ môi trường mạng là điều rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chúng ta cần rất nhiều kỹ năng: cần có kiến thức và nhận thức, trước hết là với chính trẻ em. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, giống như tự nhận thức, để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em.
Theo ý kiến của các chuyên gia, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet nói riêng. Bên cạnh việc tham gia Công ước quyền trẻ em và ký kết các nghị định thư liên quan, hệ thống luật trong nước như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí và mới đây nhất là Luật An ninh mạng 2018 đều có những điều khoản để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Để tránh những rủi ro trên môi trường mạng, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật “gợi ý”, các bậc cha mẹ cần áp dụng một số giải pháp để có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được; chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối intenet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web. Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em. Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1-1-2019. Theo đó, Điều 29 “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” của Luật An ninh mạng quy định cụ thể như sau:
1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Intenet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em.
4. Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.
|
Lan Anh