An toàn cho học sinh và trách nhiệm của nhà trường

Thứ tư, 27/05/2020 14:35
(ThanhtraVietNam) – Vụ cây phượng trong khuôn viên trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh bật gốc làm một học sinh tử vong cùng nhiều em khác bị thương khiến dư luận vô cùng đau xót và bàng hoàng. Đây không phải là vụ việc đầu tiên, học sinh bị tai nạn, thương vong ngay tại môi trường giác dục đã cảnh báo về an toàn của học sinh và trách nhiệm của nhà trường. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã Chỉ thị các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp thường xuyên, nghiêm túc để các trường học thực sự an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn, lo lắng

Đầu giờ sáng ngày 26/5, khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp, một cây phượng vĩ to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ bị bật gốc, đổ khiến nhiều học sinh bị thương, trong đó có 01 em tử vong. Vụ việc đang nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Thực tế, một khẩu hiệu trong trường học luôn được các nhà trường chú trọng thực hiện là “Xanh - Sạch - Đẹp”. Chính vì vậy, trong khuôn viên của trường, nhất là sân trường được trồng rất nhiều cây xanh, thường là cây bàng, phượng vĩ, xà cừ và bằng lăng - những cây đặc trưng gắn bó với tuổi học trò. Sau những tiết học căng thẳng, học sinh thường ra sân trường vui đùa dưới những tán cây mát rượi. Ấy vậy mà không ai nghĩ có một ngày đây lại chính là “thủ phạm” làm các em thương vong một cách bất ngờ như vậy.

Bàng hoàng và đau xót khi trường học vốn là nơi an toàn, ươm những mầm xanh cho thế hệ tương lai của đất nước lại trở nên nguy hiểm như vậy. Sau vụ việc này, nhiều phụ huynh và học sinh không khỏi băn khoăn lo lắng. Chị Tạ Thu Anh, một phụ huynh học sinh trên địa bàn phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: Sau khi biết được thông tin nhiều em học sinh thương vong tôi rất buồn và lo lắng. Chiều đi làm về đón con, ngay lập tức tôi dặn dò cháu không được chơi đùa hay ngồi dưới gốc cây ở sân trường vì cảm giác không an toàn. Hơn nữa, cháu mới học lớp 1, mải chơi nên tôi càng phải chú ý và dặn dò kỹ hơn.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ một giáo viên Trường Tiểu học Vân Hồ (Sơn La) khi lùi xe ô tô trong sân trường đã bất cẩn tông trúng 2 học sinh làm 01 học sinh tử vong (ảnh internet)

Em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 11 Trường THPT Mỹ Tho (huyện Ý Yên, Nam Định) chia sẻ: Khuôn viên trường em có rất nhiều cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ như xà cừ hay phượng vĩ. Đọc được thông tin có học sinh ở TP. Hồ Chí Minh tử vong khi đang ở sân trường em thấy vô cùng lo lắng và tự nhủ với bản thân mình sẽ hạn chế tối đa việc ra sân trường chơi sau mỗi tiết học. Khi đi dưới sân trường vào lớp học em cũng sẽ chú ý tới những cây to, cổ thụ, lâu năm.

Trên thực tế. Vụ việc trên không phải là đầu tiên về tình trạng học sinh bị thương vong trong khuôn viên trường học - vốn là nơi an toàn. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lùi xe trong sân trường đã làm một em học sinh lớp 2A4 bị gẫy chân hồi tháng 12/2016. Đến tháng 4/2018, một giáo viên Trường Tiểu học Vân Hồ (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) khi lùi xe ô tô trong sân trường đã bất cẩn tông trúng 2 học sinh làm 1 học sinh lớp 1 tử vong, 1 học sinh khác bị thương. Gần đây nhất là vụ học sinh Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong trên xe đưa đón học sinh của trường... Đó là chưa kể đến các vụ việc bạo lực học đường và vụ việc cô giáo đánh học sinh đã được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”

Đáng nói, chỉ sau khi những vụ việc trên xảy ra thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc, rà soát và có những biện pháp mạnh hơn để tránh các trường hợp tương tự xảy ra. Chẳng hạn, sau khi có vụ việc học sinh Trường Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh của nhà trường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có những văn bản rà soát, chấn chỉnh công tác đưa đón học sinh, phương tiện dùng để đưa đón học sinh. Vấn đề pháp lý liên quan đến trách nhiệm của người lái xe hay người phụ trách đi cùng xe đưa đón học sinh vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa có quy định cụ thể.

Đặc biệt, ngay sau khi vụ việc nhiều học sinh thương vong do cây phượng bật, gốc đổ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập tức đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học. Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước cần chỉ đạo ngay các nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ cây phượng đổ trong trường học tại TP. Hồ Chí Minh (ảnh internet) 

Đồng thời, các địa phương, nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các nội dung chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Mặc dù, những vụ việc nêu trên chỉ là những trường hợp hy hữu xảy ra trong nhà trường nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn trong trường học. Qua đó, đòi hỏi ngành Giáo dục cần có những biện pháp mạnh, thiết thực hơn trong việc đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh khi học sinh đến trường. Bởi trường học là nơi các em có thể yên tâm học tập, vui đùa thoải mái trong những giờ ra chơi. Làm sao để những khẩu hiệu như trường học xanh - sạch - đẹp; trường học thân thiện, học sinh tích cực… không phải là những khẩu hiệu mang tính hình thức mà phải là nơi thực sự an toàn với các em học sinh.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Để đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, cần rà soát lại tổng thể các điều kiện về cơ sở vật chất, như: Trường, lớp học; bàn ghế; các thiết bị điện, điện tử; nơi học sinh học các môn về giáo dục thể chất; bếp ăn; cây xanh… Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các trường học trong việc đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh khi học sinh đến trường.

Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo Chỉ thị, trong những năm qua, việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp, như: Bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.

leftcenterrightdel
 Khuôn viên trong trường học luôn có nhiều cây xanh, nhất là phượng vĩ, xà cừ, bàng, bằng lăng (ảnh: Trần Trung Nam)

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt đối với các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý…

Những yêu cầu nêu trên của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg cũng là những giải pháp cần triển khai thực hiện một các thường xuyên, nghiêm túc để các trường học tạo ra một môi trường thực sự an toàn, vui tươi, lành mạnh mỗi khi học sinh đến trường. Quan trọng nhất, đối với ngành Giáo dục vẫn cần những nhà giáo, nhà quản lý có tâm, có tầm để nền giáo dục Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí và có những bước tiến xa trong tương lai./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra